Năm 2020, gia đình ông Lao Thanh Chương, người dân tộc Thái ở xóm Mường Ham, xã Châu Cường đã mạnh dạn học hỏi và tiến hành nuôi thử một khay dế giống, kết quả cho thu hoạch bất ngờ.
Dế mèn được nuôi tại gia đình ông Lao Thanh Chương
Cái duyên với nghề nuôi dế xuất phát từ việc gia đình ông rất thích ăn món dế rang, nên đến chợ phiên sáng thứ 5 và chủ nhật ông luôn yêu cầu vợ đi chợ sớm để mua được những túi dế mèn béo mập mà bọn trẻ bắt được ngoài đồng. Sau nhiều lần bà đi chợ mà không còn dế để mua, nhận thấy nhu cầu thị trường cao đối với sản phẩm từ dế, ông Chương đã nghĩ đến việc nuôi dế. Ông tìm đến trang trại dế Thắng Lý tại thành phố Vinh để học tập, tại đây ông nộp vào 2 triệu đồng để được chuyển giao kỹ thuật nuôi và 1 khay giống về nuôi dưỡng.
Với một khay trứng dế, sau 45 ngày nuôi dưỡng, ông đã thu hoạch được 3kg dế thịt, và có thêm 3 khay trứng. Ông tiếp tục tạo không gian chuồng cao ráo, thoáng mát, và từ quá trình nuôi rút ra nhiều kinh nghiệm hơn nên đàn dế tăng đàn nhanh, phát triển mạnh, ít hao hụt. Từ đó ông bàn với vợ, chỉnh trang chuồng trại, mở rộng diện tích nuôi để tăng đàn. Đến nay, gia đình ông đã phát triển được 8 chuồng, mỗi chuồng có chiều rộng 1mét dài 2 mét chuồng, cao 0,5 mét . Bình quân 1 chuồng, nuôi đạt cho ra khoảng 7 – 9 kg dế thương phẩm.
Ông Lao Thanh Chương cho biết: “Khi mới nuôi tôi cũng rất lo lắng nhưng làm rồi mới thấy kỹ thuật nuôi dế rất đơn giản, ít vốn đầu tư, ít dịch bệnh, không cần diện tích rộng, thời gian thu hoạch nhanh. Khi mua trứng về, khoảng 7-8 ngày là trứng nở, khi nở thì mình chăm sóc. Con dế rất dễ nuôi, chỉ cần nơi thoáng mát là dế có thể sinh sống được Thức ăn chủ yếu của dế là cám gà con và tất cả các loại lá cây rau cỏ có thể làm thức ăn cho gia súc gia cầm như cỏ voi, bẹ chuối, lá sắn..., dùng bình xịt tưới lan để phun sương cho dế uống nước. Người nuôi chỉ cần nuôi dế khoảng 35 - 40 ngày là có thể bán dế thịt, nuôi dế từ 40 – 45 ngày là có thể khai thác trứng. Khi nghe tiếng dế gáy râm ran là bước vào giai đoạn đẻ trứng, các khay đất cát được tưới phun sương làm ẩm để dế đẻ vào đó. Khi ta thu hoạch dế đồng thời vệ sinh chuồng nuôi và gom phân dế để dùng làm phân bón cho cây trồng, góp phần cải tạo đất.”
Dế mèn là món ăn rất được chào đón tại huyện miền núi này, tại các quán ăn dế được sử dụng để chế biến thành những món ăn ngon như: Dế rang, chiên bơ, dế chiên nước mắm, dế xào xả ớt…Ngoài ra còn cung cấp làm thức ăn cho các cơ sở nuôi chim, gà, cá cảnh hay dùng làm mồi câu cho một số cần thủ với đam mê câu cá. Hiện nay, sau 2 năm thực hiện mô hình nuôi dế thương phẩm, đã mang về cho gia đình ông Chương nguồn thu nhập khá ổn định, với giá bán khoảng 150.000 – 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mang về thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Đối với người nông dân, đặc biệt là nông dân ở độ tuổi trên 50 như vợ chồng ông thì đây là một nguồn thu nhập lớn.
Vợ ông Chương vui mừng khi thu hoạch và cân dế thịt cho khách
Khi được hỏi về những điểm lưu ý trong quá trình nuôi dế, ông Chương chia sẻ: "Muốn cho đàn dế phát triển nhanh, năng suất chất lượng cao, tránh được dịch bệnh, người nuôi phải chú ý đến chuồng trại, đặt nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh nơi mưa gió, ngoài cám gà con phải có lá xanh cho dế, và tuổi thọ của dế chỉ được khoảng 60 ngày nên khi dế để trứng xong phải thu hoạch hết, không để nuôi dài ngày”
Mô hình nuôi dế của ông Lao Thanh Chương là một mô hình chăn nuôi mới tại địa phương với đầu ra ổn định, phù hợp với các nông hộ có diện tích đất ít, không yêu cầu sức lao động lớn, có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi tăng thu nhập. Đặc biệt, do thích nghi với thời tiết mùa hè, nên trong những thời điểm nắng nóng, cây trồng vật nuôi khó phát triển, thì dế mèn vẫn sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao. Đây là mô hình chăn nuôi tạo được nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nên được học tập và nhân rộng.
Phương Anh
Trung tâm DVNN Qùy Hợp