Khắc phục hiện tượng lợn nái hậu bị chậm động dục

Thứ tư - 12/10/2022 21:14 8.500 0
     Trong chăn nuôi lợn nái sinh sản hiện nay, nhiều người chăn nuôi đã tự tuyển chọn và gây giống đàn lợn cái hậu bị. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, đàn lợn hậu bị đến tuổi động dục mà chậm lên giống vẫn còn nhiều nhất là đối với đàn nái lai và nái ngoại. Để giúp người chăn nuôi nắm rõ hơn về vấn đề này chúng tôi xin nêu nguyên nhân và giải pháp khắc phục như sau:
Khắc phục hiện tượng lợn nái hậu bị chậm động dục
Lợn hậu bị là lợn cái được tuyển chọn để giữ lại làm giống ngay từ thời điểm cai sữa mẹ đến thời điểm phối giống lần đầu và chúng phải trải qua nhiều bước tuyền chọn khác nhau với nhiều tiêu chí đánh giá khắt khe. Bởi những con nái hậu bị này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh tế chăn nuôi sau này. Thông thường lợn nái nội bắt đầu động dục lúc 4 – 5 tháng tuổi, khi khối lượng đạt 40 – 50 kg. Đối với lợn lai có tuổi động dục lần đầu khoảng 5,5 – 6 tháng, khi khối lượng đạt khoảng 70 – 75 kg và lợn ngoại thời gian động dục lần đầu muộn hơn vào lúc 6 – 7 tháng tuổi, khi khối lượng chúng đạt khoảng 85 – 100 kg. Nếu lợn hậu bị ở độ tuổi và cân nặng này hoặc cao hơn nhưng chưa động dục thì được coi là chậm.
  *Nguyên nhân: Hiện tượng chậm động dục ở lợn cái hậu bị do nhiều nguyên nhân khác nhau:
+ Do người chăn nuôi chưa làm tốt khâu chọn giống ban đầu như: Chưa chọn được đàn con sinh ra từ lợn mẹ có thành tích sinh sản cao, chưa chọn kỹ con cái thông qua đánh giá cho điểm về ngoại hình thể chất…nên dẫn đến nhiều lợn cái không đạt yêu cầu để gây nái nhưng vẫn giữ lại để nuôi hậu bị.
+ Do quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc: Người chăn nuôi chưa thực hiện đúng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái hậu bị theo từng giai đoạn và từng phẩm giống như: Không thực hiện khẩu phần ăn theo định mức, mà sử dụng khẩu phần ăn tự do; nguồn thức ăn bị nấm mốc, khẩu phần thức ăn có giá trị dinh dưỡng thấp, không cân đối thành phần và giá trị dinh dưỡng đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và gây ra xáo trộn về sinh lý sinh sản ở con vật. Đặc biệt, khi lợn hậu bị ở giai đoạn 50-90 kg cho ăn lượng thức ăn nhiều, khẩu phần ăn nhiều chất bột, đường sẽ làm cho lợn béo quá, tích nhiều mỡ. Trong khi đó lại để thiếu protein và vitamin ADE sẽ làm cho buồng trứng chậm phát triển và làm chậm quá trình động dục ở lợn hậu bị.
+ Do điều kiện môi trường chăn nuôi: Lợn hậu bị nuôi trong chuồng trại chật hẹp, không thông thoáng dẫn đến hạn chế việc đi lại vận động sinh ra béo mập, cơ quan sinh dục kém phát triển. Tiểu khí hậu chuồng nuôi kém, bất lợi như: gặp thời tiết nắng nóng hoặc giá rét kéo dài tác động đến con vật dẫn đến rối loạn về sinh lý sinh sản. Ngoài ra có thể do đặc điểm sinh lý: Việc rối loạn hormon sinh sản cũng dấn đến lợn hậu bị chậm lên giống.
* Biện pháp khắc phục: Để hạn chế việc lợn cái hậu bị chậm động dục người chăn nuôi cần làm tốt một số vấn đề sau đây:
+ Đối với việc chọn lợn cái làm giống: Để chọn được con giống tốt, người chăn nuôi cần chọn lợn giống từ đàn lợn mẹ có thành tích sinh sản cao như: Đẻ nhiều con/lứa, nhiều lứa/năm, có biểu hiện động dục rõ ràng, tỷ lệ phối giống đậu thai cao, tiết sữa tốt, nuôi con khéo,…Đồng thời chọn lợn cái thông qua ngoại hình, thể chất (chọn những con khỏe mạnh; sinh trưởng phát triển tốt; tứ chi vững chắc, đi móng; ngoại hình cân đối; phần thân sau phát triển; số núm vú chẵn và lớn hơn 12 núm vú, khoảng cách giữa các núm vú thưa đều nhau, âm hộ phát triển bình thường, không dị tật…)
+ Đối với khẩu phần ăn: Khẩu phần ăn cho lợn hậu bị phải đảm bảo đầy đủ và cân đối hàm lượng dưỡng bao gồm: Năng lượng, đạm, khoáng và vitamin nhất là vitamin ADE; không sử dụng thức ăn không bị nấm mốc, nhiễm độc tố, hóa chất…Ngoài ra khẩu phần ăn cho lợn cái hậu bị còn phải phù hợp theo khối lượng, giai đoạn nuôi, tránh việc cho ăn tự do với khẩu phần năng lượng cao sẽ dẫn đến lợn quá béo. Đối với lợn nái hậu bị: Giai đoạn 20-50kg thể trọng người chăn nuôi cho lợn ăn tự do đảm bảo cơ thể heo phát triển toàn diện về thể chất; giai đoạn lợn > 50kg đến khi lên giống lần đầu phải khống chế khẩu phần ăn (cho ăn hạn chế ở mức từ 2 - 2,5 kg/con/ngày đối với nái lai, nái ngoại; 1,8 – 2 kg đối với nái nội) để lợn phát triển  thể trạng một cách cân đối (không quá béo hoặc quá gầy). Ngoài việc bổ sung vitamin ADE bằng thức ăn xanh, thức ăn nảy mầm,…thì nên tiêm thêm ADE, Catosal sẽ giúp lợn cái phát triển và hoàn thiện cơ quan sinh sản cũng như việc tiết hooc môn sinh sản được tốt hơn.
+ Tạo ra stress cho lợn: Cho lợn cái tiếp xúc với lợn đực giống ngày 2 lần vào lúc trời mát (30 phút/lần) hoặc cho lợn cái hậu bị ngửi mùi tinh dịch đực giống; tăng cường vận động cho lợn;  ngừng cung cấp thức ăn cho lợn từ 1 ngày (cho uống nước đầy đủ, thoải mái) sau đó lại tiếp tục cho ăn theo kiểu bữa no, bữa đói nhằm gây stress cho lợn. Thông thường lợn nái sẽ lên giống sau 7 - 15 ngày sau khi gây stress.
Nếu sau khi đã áp dụng các biện pháp này mà lợn chưa lên giống thì nên can thiệp bằng cách tiêm  Oestradiol 3 – 5ml/con; Vitamin ADE 5ml/con hoặc tiêm Han-Prost 1ml/con,  Gona-Estrol 8ml/con đối với lợn trên 100kg, 4ml/con đối với lợn dưới 100kg. Thông thường 2 – 3 ngày sau khi tiêm lợn có biểu hiện động dục, khi lợn động dục chúng ta bỏ qua một chu kỳ đến chu kỳ động dục tiếp theo mới cho phối giống.
      Văn Thắng- TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
image-20240813150406-1-6.png a23-1.jpg a24-2.jpg a25-4.jpg a11-3.jpg a26-4.jpg a12-6.jpg h1-5.jpg h4-9.jpg h2-6.jpg h8-12.jpg h7-1.jpg h3-13.jpg h1 h2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây