Thu nhập kinh tế cao từ mô hình nuôi chăn nuôi kết hợp
Chủ nhật - 06/11/2022 21:141.0020
Yên Thành là một huyện thuần nông, người dân ở đó phát triển kinh tế chủ yếu nhờ vào đất nông nghiệp. Với phương thức phát triển kinh tế trang trại, gia trại hiện nay đang là hướng đi đúng của rất nhiều các hộ nông dân trên địa bàn huyện Yên Thành nói chung và xã Nam Thành nói riêng.
Trong đó đã có rất nhiều hội nông dân phát triển kinh tế kết hợp giữa chăn nuôi vịt sinh sản - cá. Đây là phương thức chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao trên một diện tích ao hồ. Mỗi năm thu hoạch, người dân có thể thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Một trong những mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế theo phương thức chăn nuôi kết hợp “Vịt sinh sản - cá” phải kể đến gia đình ông Ngô Trí Hà trú tại xóm Phú Sơn- Xã Nam Thành - Yên Thành. Đến tham quan mô hình này, tôi khâm phục ý chí quyết tâm dám nghĩ dám làm không ngừng vươn lên trên mảnh đất quê hương của ông Ngô Trí Hà sinh năm 1947, hội viên nông dân chi hội xóm Phú Sơn, xã Nam Thành, huyện Yên Thành. Tuy tuổi đã cao ông Hà vẫn mạnh dạn đầu tư vốn cải tạo diện tích ao để nuôi cá bằng cách xây dựng thành ao kiên cố và có hệ thống thoát nước phù hợp. Ông Hà có được kinh nghiệm từ tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, tìm tòi học hỏi tham khảo thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như kinh nghiệm nuôi đúc rút được từ hàng chục năm qua về quy trình chăm sóc trong nuôi vịt sinh sản. Ông Hà cho hay, trước đây việc nuôi cá của gia đình không mấy thuận lợi vì thời gian sinh trưởng lâu, khi xuất bán lại có giá thành thấp. Việc nuôi vịt sinh sản kết hợp sẽ giúp tiết kiệm chi phí, vịt sẽ hỗ trợ cho cá phát triển tốt hơn do môi trường sống của 2 loài này khác nhau: vịt sống ở tầng mặt, cá sống ở tầng dưới nên không có sự cạnh tranh về không gian sống. Thức ăn rơi vãi của vịt là nguồn thức ăn cho cá; ngược lại các động vật phù du, thực vật sống dưới tầng nước lại là nguồn thức ăn cho vịt. Thay vì phải thả thức ăn cho cá và kiếm thức ăn cho vịt, phương pháp kết hợp nuôi vịt và cá trên cùng một diện tích để sử dụng chất thải của vịt tạo thức ăn cho cá và xử lý làm nguồn phân bón cho cây trồng làm tăng thu nhập và lợi nhuận trên cùng diện tích. Với tổng diện tích gần 3 ha, hiện nay ông đầu tư nuôi 3.000 vịt sinh sản và dưới ao nuôi cá các loại như: Mè, trôi, trắm, chép, rô phi…. Sau gần 5 tháng thì vịt bắt đầu đẻ trứng. Vào thời điểm đẻ rộ mỗi ngày ông thu hoạch từ từ vịt đẻ 2.700 - 2.800 quả, giá bán bình quân 2.900đ/quả. Còn đối với cá nước ngọt sau 2,5- 3 tháng đã cho thu hoạch, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng gần 3 tấn cá các loại, giá bán trung bình 30.000đ/kg. Cùng với việc chăn nuôi, ông còn tận dụng diện tích đất vườn trồng thêm các loại cây ăn quả, tạo bóng mát cho đàn vịt, đồng thời sử dụng chất thải của vịt xử lý làm nguồn phân bón cho cây trồng, tăng thêm thu nhập. Nhờ có sự kết hợp hài hòa, mỗi năm gia đình ông thu lời hơn 200 triệu đồng Gần 20 năm nuôi gắn bó với mô hình “vịt sinh sản - cá”, Ông Hà chia sẻ: Mô hình nuôi thả kết hợp vịt sinh sản - cá có thể thực hiện được quanh năm. Nhưng để đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh và có hiệu quả tốt, sau mỗi vụ nuôi, ông luôn chú trọng khâu cải tạo và xử lý môi trường ao nuôi. Theo kinh nghiệm, ông thường thả cá trước sau đó mới thả vịt để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Theo như lời chia sẻ của một số hộ nông dân sống trong vùng cho biết thêm: Ông Ngô Trí Hà là người đi tiên phong trong việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện gia đình và địa phương. Từ những khu ruộng trũng kém hiệu quả, sau nhiều năm mạnh dạn triển khai mô hình kinh tế tổng hợp, ông Ngô Trí Hà đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã. Điều đặc biệt của mô hình này là các con nuôi vật nuôi hỗ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình sinh trưởng và thu hoạch được quanh năm. Hiện nay, trên địa bàn xã và các vùng lân cận đã có rất nhiều hộ phát triển kinh tế theo mô hình vịt- cá, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế- phát triển bền vững./..
Mô hình Vịt sinh sản- cá hộ ông Ngô Trí Hà Xã Nam Thành - Yên Thành Lệ Hằng: Trung tâm Khuyến nông - nguồn TSKN