Thứ hai, 23/12/2024, 02:58

Những vấn đề cần quan tâm khi nuôi gà theo quy trình VietGAHP

Thứ hai - 19/09/2022 03:07 1.124 0
Ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, chăn nuôi gà nông hộ đang là hình thức chăn nuôi truyền thống phổ biến đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nông dân và tạo ra nguồn thực phẩm chính cho thị trường.
Những vấn đề cần quan tâm khi nuôi gà theo quy trình VietGAHP
Thực tế khi khảo sát cho thấy, người chăn nuôi gà nông hộ thường nhiều kinh nghiệm, kiến thức hay nhưng chưa thực sự bài bản. Nhất là khi phỏng vấn các hộ dân về việc ứng dụng tiêu chuẩn VietGAHP vào thực tiễn chăn nuôi, họ tỏ ra chưa hiểu biết và không hào hứng tham gia. Một số hộ chăn nuôi cho rằng việc ứng dụng VietGAHP sẽ làm tăng chi phí, tốn kém hơn và lợi nhuận thu được cũng không cao hơn những hộ không áp dụng các tiêu chuẩn VietGAHP. Kết quả khảo sát, chi phí sản xuất cho việc ứng dụng tiêu chuẩn VietGAHP sẽ tăng lên so với thông thường từ 20 - 30%, mà sản phẩm bán ra chưa tương xứng với đầu tư. Do đó thực tế khi triển khai thực hiện ở các hộ dân cũng gặp không ít khó khăn trở ngại đó là họ thường mua giống trôi nổi trên thị trường, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Phương tiện vận chuyển không được khử trùng trước và sau khi vận chuyển. Giống mới mua về không thực hiện nuôi cách ly, không ghi chép đầy đủ các thông tin về đàn vật nuôi vào sổ theo dõi. Nguồn thức ăn được sử dụng trong chăn nuôi gà nông hộ chưa được kiểm soát nghiêm ngặt, người chăn nuôi chưa thực sự chú trọng mua các hãng sản xuất thức ăn có uy tín, thậm chí không quan tâm đến thành phần dinh dưỡng trên bao bì cho các đối tượng vật nuôi khác nhau thì phải sử dụng khác nhau,…Nguồn nước cũng chưa thực sự được quan tâm mà chủ yếu là từ ao hồ, giếng khoan,… đặc biệt các hộ chưa biết sử dụng các men vi sinh (probiotic,…), các khoáng chất, vitamin,… bổ sung vào nước uống cho vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng, tăng tỷ lệ sống, cải thiện môi trường. Người chăn nuôi chưa phân định rõ đối tượng nuôi chính, trong cùng một khu vực nuôi chung nhiều đối tượng như gà, gan, vịt, lợn,… chưa khoanh vùng khu vực nuôi cho riêng từng đối tượng,…nhất là, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn cũng như ứng dụng các tiêu chuẩn VietGAHP chưa thực sự  bài bản, đúng quy trình nên sản phẩm thịt gà, trứng gà không đáp ứng theo yêu cầu thị trường. Đồng thời, trong chăn nuôi gà thường chưa có quy hoạch vùng cụ thể  để thuận tiện trong việc quản lý kiểm soát tốt quy trình chăn nuôi, công tác vệ sinh phòng bệnh cũng như áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn VietGAHP vào chăn nuôi gà. Người chăn nuôi chưa thực hiện tốt các biện pháp về công tác vệ sinh thú y trong chăn nuôi an toàn sinh học như việc thu gom, xử lý chất thải và tiêu độc khử trùng chuồng trại trước, trong và sau khi nuôi. Nhất là việc áp dụng quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng vacxin để phòng bệnh chưa đầy đủ, chưa đúng cách và đúng lịch vacxin cho từng lứa tuổi của gà nên rủi ro về dịch bệnh là rất cao. Do đó, chưa tạo ra các sản phẩm thịt và trứng gà an toàn để được các cấp các ngành có thẩm quyền công nhận các sản phẩm đó đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học hoặc chứng nhận VietGAHP. Chưa chủ động liên kết với các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, hội, hiệp hội ngành hàng,...để tiêu thụ khối lượng lớn sản phẩm.
Từ những khó khăn trở ngại trên dẫn đến tâm lý ngại áp dụng hoặc có áp dụng thì tuân thủ không đầy đủ, đúng quy trình, phải khẳng định một thực tế đó là áp dụng chăn nuôi gà theo quy trình VietGAHP sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, từ việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, ít bệnh tật, giá trị kinh tế cao đến việc giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, ngăn chặn mầm bệnh. Để chăn  nuôi áp dụng tốt quy trình VietGAHP vào trong chăn nuôi gà nông hộ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là con giống: Mua giống gà đến các cơ sở sản xuất có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy kiểm dịch chất lượng con giống. Trong quá trình vận chuyển, cần bố trí phương tiện và thời gian vận chuyển phù hợp, phương tiện vận chuyển được khử trùng kỹ trước và sau khi vận chuyển đàn giống. Thực hiện nuôi cách ly 15 ngày theo qui định để theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn gà; ghi chép đầy đủ các thông tin về đàn gà vào sổ theo dõi như: Ngày/tháng/năm nhập giống gà, địa chỉ nơi bán giống, đã tiêm phòng những loại vacxin nào tại thời điểm mua giống,… một cách đầy đủ khoa học và chính xác để truy xuất được nguồn gốc con giống.
Hai là thức ăn và nguồn nước: Cần kiểm soát tốt nguồn thức ăn và nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi đảm bảo có chất lượng tốt, có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đang trong hạn sử dụng, các hãng thức ăn có uy tín chất lượng trên thị trường; Khi nhập thức ăn và nguyên liệu cần bảo quản tại kho chứa riêng, không để vào khu vực chuồng nuôi. Nguồn nước phục vụ chăn nuôi đảm bảo an toàn, nên định kỳ kiểm tra nguồn nước và bổ sung các men vi sinh (probiotic), khoáng chất, vitamin vào thức ăn, nước uống nhất là ở thời điểm tâm dịch xẩy ra cũng như thời tiết quá nắng nóng giúp đàn gà tăng sức đề kháng, tăng khả năng ăn vào và tiêu hóa tốt cho con vật.
Ba là phương thức chăn nuôi: Người chăn nuôi nên xác định rõ đối tượng nuôi chủ chốt là con gà, khoanh vùng và tách riêng biệt các đối tượng nuôi khác,… để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn chăn nuôi cũng như các tiêu chuẩn khác nhằm thu được sản phẩm thịt và trứng gà tốt hơn, chất lượng hơn.
Bốn là quy hoạch: Các cấp các nghành cần quan tâm hơn nhằm quy hoạch được vùng và nghề chăn nuôi tập trung, kéo dài thời gian cho thuê đất để người chăn nuôi có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuận tiện trong quá trình chăn nuôi. Đồng thời, giúp người dân phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung, hàng hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, VietGAHP giảm ô nhiễm môi trường và ứng dụng VietGAHP cũng như các tiêu chuẩn khác vào thực tế dễ dàng cho ra sản phẩm trứng và thịt gà tốt hơn, chất lượng hơn, thỏa mãn các tiêu chí cơ bản như: đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội, có trách nhiệm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Năm là công tác vệ sinh thú y: Thực hiện tốt các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, nên định kỳ thu gom, xử lý chất thải và tiêu độc khử trùng chuồng trại trước, trong và sau khi nuôi sẽ hạn chế được dịch bệnh xẩy ra. Đồng thời, trong quá trình chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật cũng như quy trình sử dụng vacxin để phòng bệnh cho từng lứa tuổi của gà, với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Sáu là liên kết tiêu thụ sản phẩm: Các cấp các ngành cần quan tâm hơn nữa để có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi trong khi người chăn nuôi nông hộ đã tạo ra sản phẩmthịt và trứng gà đạt tiêu chuẩn VietGAHP, được công nhận là sản phẩm an toàn, nên xây dựng và hình thành các tổ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, hội, hiệp hội ngành hàng, các Doanh nghiệp,…. ở các vùng miền nhằm giúp người dân chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng là cơ sở để người nông dân thực sự an tâm sản xuất chăn nuôi gà nông hộ theo hướng hàng hóa, tập trung.
Vậy nên, muốn áp dụng tốt quy trình VietGAHP thì người chăn nuôi nông hộ cần thực hiện tốt các giải pháp trên một cách đồng bộ, bài bản sẽ tạo ra sản phẩm thịt và trứng gà an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, nhu cầu của thị trường và tương xứng với vốn đầu tư mà người chăn nuôi nông hộ bỏ ra.
 
Nguyễn Thị Thu - Trung tâm KN Nghệ An-nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a2-9.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-che-huu-co.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a25-4.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây