Một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi
Thứ tư - 16/11/2022 21:1318.3460
Chăn nuôi là một trong những hoạt động mang lại nguồn thu nhập chính trong sản xuất của người nông dân. Đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của nước ta, chiếm 27-28% tổng giá trị toàn ngành. Tuy nhiên, những bất ổn về giá thức ăn ngày càng tăng, dịch bệnh tràn lan khiến người chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: chọn đối tượng vật nuôi thích hợp, với qui mô đàn hợp lý, chọn giống có chất lượng cao, xây dựng chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật; đầu tư thức ăn đủ số lượng, chất lượng cao và cho ăn, uống đúng qui định; chăm sóc chu đáo; phòng trị bệnh nghiệm ngặt; tiêu thụ sản phẩm kịp thời; ghi chép theo dõi các khoản thu, chi và điều chỉnh các khoản chi mua vật tư khi thị trường biến động lớn theo hướng có lợi; quay vòng vốn nhanh và giảm các khoản vốn vay vv… - Trước hết là khâu chọn giống: Lựa chọn giống năng suất, chất lượng cao, phù hợp với lợi thế từng vùng, từng địa phương và thị hiếu của người tiêu dùng. Mua giống ở những cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng, được cấp phép sản xuất, có lý lịch con giống, đã được tiêm phòng vacxin theo yêu cầu Thú y và được cơ quan Thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Mô hình nuôi gà đen ở xã Tam Hợp Tương Dương
- Hai là: Khâu chuồng trại. Chuồng trại phải ấm về mùa đông, mát về mùa hè, chống được những cơn bão giông có thể hất nước vào chuồng. Chọn nơi phải cao ráo , thoáng mát. Xây theo hướng đông nam hoặc hướng nam là tốt nhất,để ánh nắng buổi sáng chiếu vào khoảng 1/3 nền chuồng và tránh hướng gió chính. Nền chuồng dốc để nước không ứ đọng làm tăng độ ẩm làm cho gia súc, gia cầm dễ bị bệnh. Xây dựng rãnh thoát nuớc, dễ vệ sinh gắn liền với hệ thống xử lý chất thải như túi ủ hay hầm ủ Biogas, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa có gas để sử dụng làm chất đốt, vừa tận dụng chất thải từ hầm ủ hay túi ủ để nuôi cá hay tưới cho cây ăn trái, rau màu trong vườn. Sử dụng máng ăn. máng uống đúng yêu cầu kỹ thuật và có đủ hệ thống đèn chiếu sáng để cho gia súc gia cầm ăn thêm về ban đêm hay sưởi ấm cho gia súc và gia cầm non, nhất là vào ban đêm hay khi trời mưa lạnh. Đặc biệt là phải phù hợp với đặc điểm sinh lý của từng đối tượng vật nuôi, thuận tiện cho việc phân phối thức ăn và nước uống, không làm lảng phí thức ăn và công chăm sóc nuôi dưỡng. - Ba là thức ăn: Trong chăn nuôi chi phí thức ăn thường chiếm từ 65 - 75% giá thành sản phẩm. Vì vậy tìm mọi cách để giảm chi phí thức ăn mà không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của vật nuôi sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất làm giảm chi phí và giá thành sản phẩm chăn nuôi. Giải pháp tốt nhất là tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu, các phế phụ phẩm của nông nghiệp và hải sản sẵn có tại địa phương. Bà con nông dân có thể trồng các cây thức ăn gia súc như bắp vàng, khoai lang, khoai mì, các cây họ đậu, các cây thức ăn gia súc khác như các loại cỏ cao sản, nuôi trùn Quế... Sử dụng rau xanh non, giá đậu, mộng mạ hay mua các loại Premix khoáng hay Premix vitamin( hay bà con quen gọi là thức ăn tăng trọng) để bổ sung một số loại sinh tố hay khoáng chất cho vật nuôi, nhất là gia súc, gia cầm sinh sản. Cho vật nuôi ăn, uống đủ số lượng thức ăn, nước uống theo độ tuổi, đúng giờ, đúng bữa, không cho ăn thức ăn ôi, mốc; vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. - Bốn là vệ sinh phòng bệnh: Tiêm phòng bằng vac xin là ph ương pháp hữu hiệu nhất để giảm tổn thất trong quá trình chăn nuôi do dịch bệnh gây ra. Hàng ngày cho ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Vệ sinh và xịt thuốc sát trùng chuồng trại định kỳ theo qui định. Theo dõi sức khỏe vật nuôi, nếu thấy bất thường là cách ly ngay. Phát hiện bệnh kịp thời, điều trị đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng liệu trình. Khi vật nuôi bị bệnh chết do bệnh truyền nhiễm phải xử lý xác chết đúng qui định của thú y. Không bán chạy gia súc gia cầm khi biết là bị bệnh truyền nhiễm hay quăng xác chết xuống kênh mương làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Thực hiện phương thức chăn nuôi” Cùng vào, cùng ra”, tức là không nuôi xen nhiều đối tượng vật nuôi khác lứa tuổi, và sau mỗi lứa xuất chồng phải để trống chuồng 2 – 3 tuần mới nuôi lứa khác sau khi đã xử lý chuồng đúng kỹ thuật. Trên đây là những biện pháp cơ bản giúp bà con có thể vận dụng vào sản xuất chăn nuôi góp phần nâng cao hiệu quả. Chúc bà con chăn nuôi thành công!