Hiệu quả bước đầu dự án trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn
Chủ nhật - 22/09/2019 20:541.5160
Những năm gần đây nhờ chủ trương phát triển trồng rừng nguyên liệu, giá trị rừng trồng tăng lên rõ rệt, hàng năm tỉnh Nghệ An có kế hoạch trồng mới rừng sản xuất từ 15.000 – 17.000 ha.
Tuy nhiên, trong công tác trồng rừng vẫn còn nhiều bất cập: Rừng nguyên liệu chủ yếu cung cấp gỗ nhỏ làm bột giấy, dăm gỗ với chu kỳ kinh doanh ngắn, giá trị kinh tế thấp trong khi nhu cầu nguồn nguyên liệu gỗ lớn phục vụ cho hoạt động của các nhà máy chế biến gỗ ghép thanh, gỗ xẻ là rất lớn. Do vậy, phát triển trồng rừng gỗ lớn là một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, gia tăng tỷ trọng của ngành lâm nghiệp, đáp ứng định hướng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, cũng như góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Trong trồng rừng, việc lựa chọn và sử dụng loại giống, mật độ trồng thích hợp, biện pháp thâm canh, thời gian kinh doanh... phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng, tiểu khi hậu từng vùng là việc làm rất cần thiết, có tính chất quyết định đến độ bền vững của rừng cả về kinh tế, xã hội, môi trường; Hình thành chuỗi giá trị trong trồng rừng, gắn kết từ khâu giống, trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Được sự hỗ trợ của Trung Tâm Khuyến nông Quốc Gia, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tiến hành triển khai Dự án: “Xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung” giai đoạn 2016-2018. Dự án được triển tại 3 huyện: Quỳ Hợp, Tân Kỳ và Thanh Chương với tổng diện tích 116 ha, 60 hộ tham gia. Giống được lựa chọn để làm mô hình là giống keo lai nuôi cấy mô thuộc 3 dòng; BV10, BV16, BV32 có xuất xứ rõ ràng theo quy chế quản lý giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời mô hình được áp dụng đồng bộ kỹ thuật từ khâu xử lý thực bì, đào hố, bón phân, trồng và chăm sóc rừng gỗ lớn với mật độ ban đầu là 1.330 cây/ha, chu kỳ kinh doanh từ 12 -15 năm. Việc triển khai dự án ban đầu đã gặp nhiều khó khăn: Tập quán trồng rừng của bà con xưa nay vẫn là trồng mật độ dày, khai thác non, thiếu đầu tư thâm canh nên ban đầu người dân không mặn mà trong công tác xây dựng mô hình. Tuy nhiên, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương khảo sát, lựa chọn điểm triển khai phù hợp và tuyên truyền tới các hộ dân về những lợi ích trong công tác kinh doanh rừng gỗ lớn. Tham gia dự án, người dân được hỗ trợ 100% giống và phân bón, được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng gỗ lớn. Tại mỗi điểm xây dựng mô hình tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật và 1 cuộc hội thảo trong quá trình triển khai. Ngoài việc được nắm bắt lý thuyết, các hộ dân còn được tham quan thực tế và thực hành tại hiện trường nên trong quá trình thực hiện mô hình người dân đã áp dụng rất tốt, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thâm canh trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ra, tại các điểm xây dựng mô hình, Trung tâm bố trí cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hướng dẫn cho các hộ tham gia dự án, đồng thời kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện, góp ý, trao đổi việc thực hiện dự án và có biện pháp khắc phục để có kết quả tốt nhất theo mục tiêu đề ra. Kết quả sau 3 năm triển khai như sau: + Tại huyện Quỳ Hợp triển khai tại 2 xã: Bắc Sơn và Châu Thành với diện tích 38 ha, 20 hộ dân tham gia. Cây keo lai được trồng từ tháng 10/2016 cho đến nay cây keo trồng được 34 tháng tuổi tỷ lệ sống đạt 95%, chiều cao bình quân đạt 10 -12m, đường kính đạt 11 – 13 cm, vượt trội so với mô hình trồng đại trà là 30% các chỉ số về chiều cao và đường kính. + Tại huyện Tân Kỳ triển khai tại 2 xã: Kỳ Tân và Nghĩa Dũng với diện tích 42 ha, 20 hộ dân tham gia. Mô hình được trồng từ tháng 9/2017, đến nay cây keo được 23 tháng tuổi, tỷ lệ sống bình quân đạt 96%, chiều cao đạt 7 – 8m, đường kính đạt từ 8 – 9 cm, chỉ số chiều cao và đường kính vượt trội so với các mô hình đại trà trên địa bàn vùng lân cận là 30 %. + Tại huyện Thanh Chương triển khai tại 2 xã: Thanh Nho và Hạnh lâm, quy mô 36 ha, 20 hộ dân tham gia. Mô hình được trồng tháng 9/2018, đến nay được 11 tháng tuổi, tỷ lệ sống bình quân đạt 97%, chiều cao đạt 3 – 3,5m, đường kính đạt 3,5 – 4 cm, vượt trội so với đại trà 35%. Kết quả bước đầu đã cho thấy: Cây keo lai sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô có sức sống và khả năng sinh trưởng phát triển tốt hơn hẳn so với keo lai hạt và keo hom tại địa phương. Sự kết hợp đồng bộ trong công tác quản lý sử dụng nguồn giống, cũng như áp dụng đồng bộ các kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn đã tạo sự tin tưởng cho bà con nông dân học tập. Việc thực hiện dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trồng rừng, hạn chế việc khai thác rừng với chu kỳ kinh doanh ngắn gây suy thoái đất, năng suất rừng thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Với thời gian kinh doanh rừng dài 12 -15 năm môi trường đất rừng ổn định lâu dài, bổ sung dinh dưỡng, tăng độ mùn, tơi xốp, tăng độ màu mỡ, tăng độ che phủ rừng góp phần kinh doanh và quản lý rừng bền vững hướng tới cấp chứng chỉ rừng, phù hợp định hướng và cam kết quốc tế như VPA - FLEGT. Xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh đã tạo ra hướng đầu tư thâm canh mới, hiệu quả cả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Cùng với việc trồng mới và cơ cấu lại giống cây trồng hinh thành vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, từng bước chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn đối với một số loài cây mọc nhanh hướng cung cấp gỗ lớn, gỗ nguyên liệu chất lượng cao, có chứng chỉ rừng, góp phần chủ động đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất và chế biến gỗ, đồ mộc gia dụng xuất khẩu với giá trị kinh tế cao./. Trần Tý – Trung tâm Khuyến nông