Thứ ba, 21/01/2025, 19:20

Gáo vàng – loài cây lâm nghiệp mới giàu tiềm năng

Thứ ba - 05/05/2020 21:37 11.167 0
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với trên 1,2 triệu ha rừng, trong đó diện tích có rừng là 956.705,33 ha( gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng). Tổng diện tích rừng trồng trên 208.871 ha chủ yếu là Keo và Bạch đàn.
Gáo vàng – loài cây lâm nghiệp mới giàu tiềm năng
Sapo: Keo là loài cây lấy gỗ chính được bà con nông dân Nghệ An trồng khá nhiều. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh trên cả nước như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, có một loài cây đang được đưa vào thay thế cây keo lai cho hiệu quả vượt trội, đó là cây gáo vàng.
Loài gỗ lớn bản địa trong các khu rừng Việt Nam
Gáo vàng là loài cây gỗ lớn, thân cao tới 35m, đường kính ngang ngực trên 100cm, thân tròn, thẳng đứng. Cây phân bố tại các vùng đất ẩm ướt, ven khe suối, có nhiều ở các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, hầu như vùng nào cũng tìm thấy cây gáo vàng. Bộ phần nào của cây gáo cũng có thể sử dụng được như vỏ cây, lá cây và quả dùng làm thuốc, gỗ dùng sản xuất đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí, là nguyên liệu rất tốt để làm ván sợi nhân tạo, ván MDF, bột giấy…
            Ưu điểm lớn nhất của cây gáo là loài cây bản địa, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng nước ta nên sinh trưởng rất nhanh, cho sinh khối lớn. Tại nhiều tỉnh Đông Nam Bộ, trồng gáo vàng cho hiệu quả kinh tế tăng gấp 2 lần so với keo lai. Tiến sỹ Nguyễn Công Trường, Đại học Kinh tế Nghệ An, người đang nghiên cứu về cây gáo vàng cho biết, trung bình 1 ha keo lai cho thu nhập khoảng 20-25 triệu đồng/năm, thì với cây gáo chúng ta có thể đạt được từ 45-50 triệu đồng/ha/năm.
            Sinh trưởng nhanh trên đất Quỳ Châu
            Tại huyện Quỳ Châu, Nghệ An, từ tháng 9 năm 2019 lại nay đã triển khai dự án trồng thử nghiệm cây gáo vàng trên diện tích 5ha của các xã Châu Hạnh và Châu Thuận. Sau 5-6 tháng trồng, đến nay cây sinh trưởng tốt, tại một số diện tích ven khe suối cây phát triển nhanh, chiều cao đạt gần 1m. Dự án cũng triển khai mô hình nhân giống cây gáo vàng, đã nhân giống được 25.000 cây giống đạt chuẩn. Anh Vi Văn Kiệm, một hộ dân tham gia dự án tại bản Tà Sỏi 2, xã Châu Hạnh cho biết: Cây gáo trắng thì ở Quỳ Châu thấy rất nhiều, cây gáo vàng thỉnh thoảng trong rừng cũng gặp, nhưng đây là lần đầu tiên gia đình anh trồng thử. Rất mong sau 5 năm sẽ thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây này, vì cây rất dễ trồng, dễ sống và phát triển nhanh.
            Ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, nếu đúng là cây gáo vàng cho hiệu quả kinh tế gấp 2 lần keo lai, thì huyện Quỳ Châu sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch để đưa vào một số diện tích trồng cây gáo trên địa bàn toàn huyện. Tuy nhiên, đây chỉ mới là dự án trồng thử nghiệm được 5 tháng, còn rất nhiều việc phải làm trước khi triển khai nhân rộng mô hình.
            Ý kiến của ông Nguyễn Thanh Hoài cũng chính là nỗi trăn trở của các hộ dân và lãnh đạo các xã trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Bởi đây là loài rất mới, và phải sau ít nhất năm năm mới thấy được hiệu quả trên thực tế, cho nên với rất nhiều người, trồng keo lai vẫn là lựa chọn an toàn hơn.
            Người dân có nên trồng gáo vàng?
            Một số nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực trồng rừng ở Nghệ An hiện đang rất ủng hộ việc thử nghiệm trồng gáo vàng. Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho rằng: “Đây là một trong những loài cây mở ra một hướng mới, bổ sung vào tập đoàn cây trồng lầm nghiệp của tỉnh, vậy nên cần tiếp tục có những nghiên cứu thử nghiệm, mở rộng mô hình này để có kết luận đầy đủ sâu sắc hơn về mặt khoa học”.
            Một loài cây lâm nghiệp mới cần rất nhiều năm để chứng tỏ được hiệu quả kinh tế, do đó, tin tưởng và tiếp tục triển khai các nghiên cứu đa dạng hơn về loài gáo vàng là điều cần thiết, để góp phần bổ sung thêm loài mới vào tập đoàn cơ cấu cây trồng, bảo vệ môi trường bền vững đồng thời nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế cho người dân.

 
Hải Châu - Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây