Thứ ba, 21/01/2025, 19:28

Tạo bước đột phá trong phát triển rừng ở Yên Thành

Chủ nhật - 26/04/2020 22:32 1.297 0
Để từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của rừng, những năm gần đây huyện Yên Thành đã chú trọng phát triển nông lâm kết hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng.
Tạo bước đột phá trong phát triển rừng ở Yên Thành

Một trong những điển hình phát triển vốn rừng bền vững ở huyện Yên Thành phải kể đến xã Thịnh Thành. Ngoài tập trung bảo vệ tốt 370 ha rừng phòng hộ, hơn 10 năm lại nay, địa phương còn trồng được 130 ha cây sở trên các cánh rừng vùng Khùa, Khe Chàm và mang lại lợi ích kép. Nhờ bảo vệ rừng, trồng rừng mà nhiều gia đình đã có bước phát triển kinh tế đột phá.

Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Phương Khánh ở xóm Đông Thịnh có 5 ha đất rừng sản xuất, nếu như trước đây thường trồng sắn và cây nguyên liệu giấy nên thu nhập không cao, thì từ năm 2007 đến nay, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông đã mạnh dạn đưa cây sở vào trồng trên toàn bộ diện tích. Qua 5 vụ đầu thu hoạch, bình quân 1 ha sở cho năng suất từ 3,5 đến 4 tấn hạt tươi, được thương lái đến thu mua tận nơi với giá từ 15 đến 17 ngàn đồng/kg.
Ông Khánh chia sẻ: Qua 12 năm trồng sở cho thấy đây là loại cây cho thu nhập khá hơn các loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích. Nếu như trồng keo phải mất 5 - 6 năm mới thu hoạch thì trồng sở, từ năm thứ 5 trở đi, năm nào cũng thu hái quả, mỗi ha có thể mang lại 50 - 60 triệu đồng cho chủ rừng. Từ thành công ở Thịnh Thành, đến nay, huyện Yên Thành đang có kế hoạch mở rộng cây sở. 
Ngành lâm nghiệp Yên Thành tổ chức phun phòng sâu bệnh hại trên diện tích thông nguyên liệu. Ảnh: Thái Dương

Là xã vùng bán sơn địa, Minh Thành có diện tích 2.100 ha rừng và đất lâm nghiệp. Cùng với việc giao khoán đất rừng đến tận 1.200 hộ dân, chính quyền địa phương đã tập trung xây dựng quy hoạch phát triển nông lâm một cách phù hợp bằng việc khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn, kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, trồng cây ăn quả và cây dược liệu. Đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 20 tỷ đồng mỗi năm, chiếm tỷ trọng 22% trong sản xuất nông nghiệp của xã.

Từ phong trào này, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình ở xóm 8 có gia đình anh Phan Viết Sáng, ngoài đầu tư phát triển 1,5 ha rừng nguyên liệu giấy, anh còn trồng được hơn 1 ha giống cam sành bản địa. Nhờ chú trọng chăm sóc, áp dụng các tiến bộ của KHKT nên sản lượng quả hàng năm đạt 15 - 20 tấn/ha, trừ mọi chi phí còn thu về 200 triệu đồng. 
Cam Yên Thành có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Ảnh: Xuân Hoàng
Cùng với tập trung chỉ đạo 29 xã có rừng và đất lâm nghiệp, trong mấy năm qua, huyện Yên Thành còn tích cực thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp vào địa bàn, liên kết cùng người dân phát triển nông lâm kết hợp. Điển hình, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc Nghệ An đã được tỉnh và huyện giao quy hoạch, quản lý 8 nghìn ha rừng và đất rừng có hệ sinh thái đa dạng. Ngoài trồng mới được 1.250 ha rừng nguyên liệu, thời gian qua Công ty còn chú trọng phát triển các loại cây dược liệu như gấc, rau má, lạc tiên.
Hiện tại đã có 15 ha gấc được sản xuất theo phương pháp sinh học, bình quân 1 ha cho năng suất từ 12 - 15 tấn quả tươi, được dùng làm nguyên liệu để chế biến nước uống và tinh dầu thực phẩm.
Ông Nguyễn Sỹ Đa - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP ĐTPT nguyên liệu TH vùng Đông Bắc Nghệ An cho biết: Về chiến lược phát triển cây nguyên liệu, đối với cây keo lấy gỗ bình thường thì trồng từ 6 - 7 năm tuổi, còn một số diện tích trồng cây gỗ lớn từ 10 - 12 năm để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy gỗ. Đối với cây dược liệu, hiện nay TH đang trồng nhiều loại cây để làm nước uống bổ dưỡng cung cấp ra thị trường. 
Nuôi ong mật dưới tán rừng trồng đưa lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Minh Thành. Ảnh: Thái Dương

Yên Thành có gần 25 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng chiếm 18.502 ha. Bình quân mỗi năm, tỷ trọng kinh tế nông lâm chiếm 23,7% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện. Hàng năm, ngoài trồng mới 1.500 ha rừng sản xuất, huyện còn đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn. Đặc biệt trên địa bàn huyện hiện có trên 1 ngàn ha thông đang trong thời kỳ khai thác nhựa rất dễ gây cháy rừng. Vì thế, hàng năm Ban quản lý Rừng phòng hộ và Hạt kiểm lâm huyện đã tăng cường các biện pháp trong PCCCR.

Để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển rừng bền vững, huyện Yên Thành đã có tổng thể quy hoạch phát triển đến năm 2035 tầm nhìn 2050. Riêng trong năm nay, toàn huyện phấn đấu trồng mới 1.400 ha rừng tập trung, trồng 1 triệu cây phân tán, chăm sóc và bảo vệ 20.800 ha, phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với bảo vệ môi trường và du lịch sinh thái; chuyển dần rừng trồng nguyên liệu giấy sang trồng cây gỗ lớn, đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao, bền vững… Nâng sản lượng gỗ khai thác rừng trồng lên 108.780 m3, trong đó gỗ nguyên liệu giấy 85.040 m3. 

Huyện Yên Thành sẽ bố trí 1 nghìn ha rừng sở, 800 ha trồng cây chất lượng cao và một số cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như cây đan hương đang được thí nghiệm đưa vào trồng. Đặc biệt huyện Yên Thành đã quy hoạch vùng phát triển cây gỗ lớn và cây có giá trị kinh tế cao và định hướng cho nhân dân từng bước thực hiện để đảm bảo sinh kế, giữ được thảm thực vật quý. Từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển rừng, không những mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành

Bài: Thái Dương - KT: Lâm Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây