Năm 2020 gia đình anh Lê Anh Tuấn, xóm 4 Nghi Trung, Nghi lộc nuôi tôm vụ 1 không hiệu quả, sau khi tìm hiểu kỹ thuật thông qua Trung tâm Khuyến nông và một số người bạn, anh đã chuyển đổi sang nuôi cua thịt thương phẩm.
Xác định đây là mô hình mới nên việc chuẩn bị ao, lựa chọn cua giống đều được anh quan tâm chú trọng. Anh mạnh dạn đưa vòa nuôi trên diện tích 10.000 m2 ao, thả 10.000 con cua giống cỡ bình quân 40 con/kg. Sau 3 tháng nuôi, với tỷ lệ sống đạt 60%, cỡ cua đạt 0,2 - 0,3 kg/con, cho sản lượng cua thương phẩm là 1.500 kg, giá bán tại ao 320 ngàn đồng/kg, các hộ đã thu về 480 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí như: Cua giống 10.000 con, giá bình quân 8.000 đông/con là 80 triệu đồng; cá tạp làm thức ăn cho cua 7.400 kg với giá bình quân 5.000 đồng/kg, hết gần 37 triệu đồng; chi khác 10 triệu đồng. Lãi ròng 353 triệu đồng/1ha/vụ. Đây thực sự là nguồn thu không nhỏ của gia đình anh và là tin vui cho người dân nuôi trồng thủy sản trong lúc con tôm đang lao đao vì dịch bệnh. Trao đổi với chúng tôi anh chia sẻ Muốn nuôi bất kì một con gì đều phải là người say mê với đối tượng nuôi, mặt khác phải có tiềm năng diện tích mặt nước phù hợp và nguồn vốn nhất định; Ao nuôi cua nên gần đường giao thông và đường điện, an ninh trật tự tốt, đặc biệt là gần nguồn cung cấp thức ăn (các địa phương có nghề khai thác hải sản). Ao nên xây dựng ở vùng trung triều thuận tiện trong việc vận hành và áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất. Ao có dạng hình chữ nhật, xung quanh ao đào mương rộng 10 - 15m, sâu 0,5 - 0.8m (Diện tích mương chiếm 20% diện tích ao nuôi) để cua trú ẩn khi nhiệt độ xuống thấp và là nơi cho cua ăn hàng ngày...Độ sâu của ao nuôi đảm bảo giữ mực nước sâu 0,8 - 1,2 m, bờ ao chắc chắn, không rò rỉ, cao hơn mực nước triều cao nhất 0,5 m. Có 1 cống cấp và thoát nước chung; - Chất đáy: Đất thịt pha cát nhẹ. - Độ mặn: Dao động 5 - 25 %o. - Độ pH đất lớn hơn 5. Đất không bị nhiễm phèn, chất độc khác. - Nguồn nước cung cấp không bị ô nhiễm của chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Công tác chuẩn bị ao trước khi thả giống: - Dọn sạch cỏ rác, rong ở trong ao, tu sửa lại bờ ao, lấp các hang hốc, và tu sửa những chỗ bờ sạt lở; - Dùng vôi bột rải đều khắp đáy ao để tẩy chua, diệt trùng, diệt tạp với liều lượng 10 kg/100 m2 ao. Sau khi tẩy, phơi đáy ao 10 ngày. sau đó cho nước ra vào 3 lần để xả sạch nước phèn; - Dùng lưới chắn trên bờ ngăn không cho cua vượt bờ thoát ra ngoài: Dùng cọc tre, mét…cao 1,0 m đóng xuống đất sâu 20 - 30 cm (2m đóng 1 cọc) ở mép trong bờ ao nghiêng về phía trong 1 góc 600, dùng lưới mùng loại thưa bao quanh bờ ao, Sau đó dùng cây nứa có chiều dài 5 - 6m chạy dọc theo mép lưới. Đăng chắn được chôn sâu xuống đất (30 cm). Độ cao đăng chắn 0.5m (Sau khi đã chôn xuống đất); - Cấp nước vào ao qua lưới lọc trước khi thả cua 3 ngày; Mực nước 1.3 m tính từ đáy mương và ở bãi là 0.8m; - Trước khi thả giống: pH = 8,2; độ mặn: 25%o. Thả cua giống Để tránh hao hụt và đảm bảo tỷ lệ sống cao nên chọn con giống có chất lượng tốt, cỡ cua giống thả ban đầu từ 40 - 100 con/kg, có thể chọn cua giống từ 02 nguồn dó là từ các trại sản xuất và từ tự nhiên, nhưng cần phải chọn những con kích cỡ đồng đều khoẻ mạnh, các phần phụ đầy đủ, không có dấu hiệu bệnh lý; Mật độ thả: từ 1 đến 2 con/m2; khi chuyển giống về ao cần phải thả giống ở nhiều điểm khác nhau trong ao. Thả từ từ trên bờ ao để cua tự bò xuống nước. Lưu ý: Những con yếu nằm tại chỗ hoặc bò chậm, thu lại cho vào giai nuôi dưỡng, sau khi hồi phục sức khoẻ mới thả trở lại. Công tác chăm sóc quản lý: Thức ăn cho cua là thức ăn tươi sống như: cá tạp don, dắt... Trước khi cho ăn thức ăn phải được rửa sạch, nhặt hết tạp chất; - Tháng nuôi thứ nhất, Cho ăn 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm và chiều mát, lượng thức ăn hàng ngày bằng 6 - 10% khối lượng cua ở trong ao; - Tháng thứ 2 trở đi lượng thức ăn hàng ngày bằng 4 - 6% khối lượng cua trong ao. Mỗi ngày cho ăn 1 lần vào chiều mát (6 - 7 giờ tối); - Trước khi cho ăn, thức ăn phải được băm nhỏ phù hợp với cỡ bắt mồi của cua, thức ăn được rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau, cắn nhau khi ăn; - Để điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày cho phù hợp. Dùng sàng để kiểm tra sức ăn của cua, Lượng thức ăn cho vào sàng chiếm 2 - 3% khối lượng thức ăn từ khẩu phần ăn, sàng đặt chìm xuống ao. Lần cho ăn sau nâng sàng lên kiểm tra nếu cua ăn hết thì có thể tăng lượng thức ăn, nếu thức ăn còn thừa thì phải giảm lượng thức ăn, Những ngày thời tiết xấu cần phải giảm lượng thức ăn. - Khống chế các yếu tố môi trường trong ngưỡng thích hợp cho cua sinh trưởng và phát triển tốt như: pH = 7 - 8,5; độ mặn = 5 - 25%o. - Tháng nuôi đầu không nên thay nước, sang tháng nuôi thứ 2 tiến hành thay nước mới theo biên độ thuỷ triều . Khi thuỷ triều xuống xả nước đáy 40 - 60% khối lượng nước trong ao. Mỗi con nước thay 6 - 8 ngày liên tục; - Từ tháng thứ 3 trở đi để đảm bảo môi trường trong sạch kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt, 10 ngày thay toàn bộ nước 1 lần. Bằng cách, khi nước thuỷ triều xuống xả toàn bộ nước trong ao sau đó đóng cống lại. Sau khi nước thuỷ triều lên cao lấy đủ nước vào ao. - Hàng ngày kiểm tra bờ ao, cống, rào chắn, không để các lỗ mối cua sẽ đào hang xuyên qua bờ ra ngoài. Kiểm tra các rào chắn, không để hở chân, kẽ rộng giữa các chân rào. Vì ban đêm cua thường bò lên bờ để tìm cách thoát ra ngoài - Định kỳ 15 ngày bắt cua lên để kiểm tra sức khoẻ và tốc độ sinh trưởng của cua. Công tác thu hoạch: Tuy nuôi trong cùng một ao, kích cỡ cua giống khi thả tương đối đồng đều nhưng vào cuối tháng nuôi thứ 3 cua sẽ có hiện tượng phân đàn mạnh do đó khi kiểm tra thấy cua đạt trọng lượng từ 250 g/con trở lên và chắc thịt (đối với cua đực) hoặc đã lên đầy gạch (đối với cua cái) thì bà con tiến hành thu tỉa, Lưu ý: Khi thu hoạch cua không nên chọn những ngày vừa mới sinh con nước, thường thời gian này cua mới lột xác, thịt chưa đầy; Việc bắt và trói cua phải nhẹ nhàng tránh làm cua bị gãy càng sẽ giảm giá trị của cua.
(kiểm tra cua giống trước khi thả tại ao anh Lê Anh Tuấn, xóm 4 Nghi Trung, Nghi lộc) Hoàng Anh - Nguồn TSKN