Thứ hai, 23/12/2024, 12:37

Nghệ An: Nông dân nuôi cá - lúa cho thu nhập cao

Thứ hai - 22/03/2021 23:04 1.701 0
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, hiện nay Nghệ An, nông dân đang tổ chức nuôi cá trên ruộng lúa theo 3 hình thức đó là nuôi cá lúa gồm có Nuôi 1 vụ cá + 1 Vụ lúa; Nuôi cá xen lúa và nuôi cá vụ 3 (cấy 2 vụ lúa + 1 vụ cá). Tập trung chủ chủ yếu ở các địa phương như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Diễn Châu, …
Nghệ An: Nông dân nuôi cá - lúa cho thu nhập cao
Hình thức Nuôi 1 vụ cá + 1 Vụ lúa:
Thời vụ nuôi cá bắt đầu từ tháng 5, sau khi lúa xuân hè kết thúc làm đòng, tập trung chủ yếu ở các vùng chiêm trúng các huyện Yên thành, Quỳnh lưu, Đô lương với mật độ nuôi 200 đến 250 con/1 sào trung bộ 500 m2 cá nuôi ở hình thức này chủ yếu là những giống như mè hoa, trôi Ấn Ðộ, rô phi đơn tính và trắm cỏ (thả sau khi gặt), những đối tượng cá này vừa phù hợp với nguồn nước trong ruộng vừa có thị trường tiêu tốt. Ðến khi gặt lúa xuân hè, những hộ nông dân nuôi cá phải đóng hệ thống cống tiêu để giữ nước ở trong ruộng và tạo nguồn thức ăn cho cá như: Gặt để lại gốc rạ cao hơn ruộng bình thường không nuôi cá sau đó bón thêm phân đạm, pân lân để tạo lúa chét và bón bổ sung thêm phân chuồng cho cá ăn. Ðề phòng dịch bệnh xảy ra đối với cá nuôi trong ruộng, các hộ nuôi cá phải thường xuyên thay đổi nguồn nước ở trong ruộng và diệt chuột cũng như đuổi chim, cò thường mò xuống ruộng để ăn cá con. Vào mùa mưa bão, các hộ nông dân nuôi cá phải tôn cao bờ và cắm đăng giăng lưới không để cá ra khỏi ruộng. Ðến khoảng tháng 9, tháng 10 các hộ nuôi cá phải tháo nước để thu hoạch cá và trả lại ruộng cho nông dân gieo cấy lúa vụ thu đông đúng thời vụ. Thực tế sản xuất những năm gần đây đã chứng minh với phương thức "Cấy một vụ lúa và nuôi một vụ cá" đã đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3, 4 lần so với phương thức canh tác cấy hai vụ lúa. Tuy nhiên để có hiệu quả cao thì người nuôi cần chủ động ương nuôi được cá giống lớn 20 - 60 con/1 kg và thả nuôi đúng cơ cấu mật độ và đối tượng nuôi.
Hình thức cấy 2 vụ lúa + 1 vụ cá hay còn gọi là nuôi cá vụ 3:
Diện tích nuôi tập trung chủ yếu là những địa phương có nhiều ruộng trũng và nguồn nước thuận lợi, sau khi vụ hè thu kết thúc, đủ điều kiện thả cá. Tổng diện tích cá lúa vụ 3 toàn tỉnh năm 2019 đưa vào nuôi  khoảng 2.785 ha và sản lượng đạt khoảng 2.785 tấn. Năng suất trung bình toàn tỉnh đạt 10 tạ/ha, với giá trị khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha. Một trong những địa phương có diện tích nuôi cá lúa vụ 3 lớn trong tỉnh là huyện Hưng Nguyên. Năm 2019, diện tích trên 600 ha. Ghi nhận gia đình anh Phan Văn Vinh, (xóm 5, xã Hưng Đạo) có gần 2 ha lúa ở vùng thấp trũng. Năm 2018, sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, anh thả cá giống. Sau gần 3 tháng, anh thu hoạch được hơn 15 tạ cá, với giá bán bình quân 35.000 - 40.000đ/ kg cá, thu về gần 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí anh lãi khoảng gần 30 triệu đồng . Gia đình anh nuôi cá vụ 3 cũng đã được hơn 10 năm nay và năm nào cũng cho thu hoạch khá cao. Những năm  gần đây, do quy hoạch lại đồng ruộng, bờ, thửa hoàn chỉnh, anh mượn thêm ruộng của hộ liền kề mở rộng diện tích nuôi. Anh Vinh cho biết: Năm nay gia đình anh đưa vào nuôi khoảng 4 ha ..Ngoài diện tích ruộng lúa của gia đình anh còn thuê thêm diện tích của các hộ xung quanh. Theo anh Nuôi cá vụ 3 được rất nhiều cái lợi. Thứ nhất, khi thu hoạch xong thì tận dụng được diện tích ruộng bỏ không, gia đình có công ăn việc làm, và làm tăng thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Thứ 2, khi dâng nước để nuôi cá cỏ, gốc rạ sẽ phân hủy, vừa làm thức ăn cho cá, vừa làm tăng chất mùn cho đất. Thứ 3, Nuôi cá vụ 3 tốn ít chi phí, nhờ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Thấy rõ hiệu quả nên năm nay nhiều gia đình mạnh dạn liên kết với nhau cùng thuê ruộng để nuôi cá. Đối với hình thức nuôi này, để tăng thêm hiệu quả, Cá giống nên thả kích cỡ lớn, đều, khỏe mạnh, để ít bị hao hụt và tăng trưởng nhanh trong quá trình nuôi. Khuyến khích ương nuôi cá giống trong ao để chủ động và đảm bảo kích cỡ cá giống thả nuôi cá lúa vụ 3. Các đối tượng nuôi là cá truyền thống mè, trôi, trắm, chép thì bà con nên mạnh dạn đưa một số loài thủy đặc sản nước ngọt vào nuôi như tôm càng xanh. Trong quá trình nuôi bên cạnh nguồn thức ăn sẵn có cần bổ sung thêm một lượng thức ăn là tinh bột như cám gạo, ngô, … thức ăn xanh: bèo, cỏ, lá khoai, lá sắn… Vào thời điểm giao mùa hay mùa mưa bão là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh phát triển, sức đề kháng của cá yếu dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, trước và sau khi mưa cần bón vôi để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh trên cây trồng và ổn định pH nước nuôi. Các hộ nuôi phối hợp với nhau để canh giữ tránh hiện tượng dùng kích điện đánh bắt cá trên ruộng làm ảnh hưởng đến phát triển nuôi.
Hình thức Nuôi cá xen cấy lúa:
Đối với hình thức nuôi này yêu cầu ruộng phải có mương bao và ao trữ cá được thiết kế theo nhiều hình dạng khác nhau ao nuôi nằm giữa ruộng, mương nuôi nằm ở 1 đầu của ruộng… tuy nhiên đa số các hộ nuôi chọn dạng mương bao và ao trữ cá. Diện tích tùy theo diện tích đất của nông hộ trung bình khoảng từ 0,3 ha trở lên. Thời vụ thả giống từ tháng 02/2021 (sau khi cấy lúa 15 - 20 ngày, lúa đã cứng cây thì có thể thả cá); mật độ 100 - 120 con/sào; kích cỡ 20 - 40 con/kg.
Đối với hình thức nuôi này, chủ yếu tận dụng được thức ăn tự nhiên do đó chọn loài cá nuôi là những loài cá ăn tạp nghiên về thực vật, những loài cá ăn lọc: cá chép, cá rô phi, cá trắm cỏ … khi nuôi kết hợp nhiều loài cá khác nhau cũng cần phải có tỷ lệ phù hợp, thường bà con chọn cá Chép lai hặc cá trắm cỏ làm đối tượng thả chính, chiếm tỷ lện 40-50% tổng số cá nuôi. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công trong nuôi thủy sản là thức ăn. Để cá có thể sinh trưởng, phát triển tốt, cá cần được bổ sung thức ăn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và số lượng cho ăn. Trong quá trình nuôi nên kết hợp thức ăn viên và thức xanh. Với thức ăn dạng viên, các nguyên liệu khô phối trộn theo công thức rồi trộn với nước cho đủ ẩm, sau đó đưa vào máy ép viên. Khi tạo viên xong, đem phơi nắng hoặc sấy khô thức ăn rồi đóng bao cho cá ăn dần. Người nuôi có thể trộn nguyên liệu dạng bột với các loại nguyên liệu tươi nấu chín để cho cá ăn. Với chế biến thức ăn lên men, các loại nguyên liệu được nấu chín hoặc trộn đủ ẩm, cấy giống nấm men, ủ kín 3-5 ngày. Dạng thức ăn này có mùi thơm, giá trị dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa và kích thích tính thèm ăn của cá. Tuy nhiên, thức ăn lên men không để được lâu nên mỗi lần ủ chỉ cho cá ăn trong 2-3 ngày. Trong thời gian đầu cá còn nhỏ khả năng bắt mồi kém, yêu cầu thức ăn có chất lượng dinh dưỡng cao, do đó nên sử dụng thức ăn viên nổi (hàm lượng đạm từ 18 - 30 %). Cho ăn tối thiểu 01 lần/ngày. Khi cá lớn (30 – 50 g/con) nên cho ăn bổ sung thức ăn tinh như cám nấu chín phối trộn với bột cá hoặc ốc, cua xay nhỏ. Lượng thức ăn cho ăn thay đổi theo tháng nuôi: Hai tháng đầu khẩu phần thức ăn cho cá khoảng 5% khối lượng cá, sau tháng thứ 3 cho ăn 3 % (tuy nhiên lượng cho ăn phải được điều chỉnh theo mức độ sử dụng của cá). Để điều chỉnh khẩu phần ăn phù hợp cần lưu ý một số yếu tố như: Theo dõi mức độ ăn thức ăn của cá, nếu sau 30 phút cá ăn hết là đạt yêu cầu. Nếu cá ăn hết nhanh trong thời gian ngắn và vẫn còn hiện tượng đòi ăn thì phải tăng thêm lượng thức ăn cho cá mỗi lần. Khi nước ao bị bẩn hay có mùi hôi nên giảm lượng cho ăn và thay nước. Nếu có sử dụng thuốc bảo thực vật trên ruộng, ta dồn cá xuống mương 10 - 15 ngày, cho cá ăn bằng cách rải đều trên mặt hoặc cho ăn vào sàn tập trung ở nhiều nơi trong mương. Việc theo dõi môi trường nước trong ruộng. Tuần đầu mới thả cần phải giữ cá ở mương, trong tháng này không thay nước hay cho thêm nước; sau khi sạ lúa được 40 - 50 ngày (tuy nhiên đối với ruộng cấy lúa thì sau 20 - 25 ngày) thì dâng nước để cá lên ruộng kiếm mồi, tháng thứ 2-3 thay nước 2 lần/tháng; tháng 4-5 thay nước 4 lần/tháng; tháng 6-7 thay nước 6 lần/tháng. Nếu nuôi cá mật độ thấp, chế độ thay nước 2 lần/tháng tùy theo điều kiện thực tế. Trong suốt thời gian chăm sóc lúa và nuôi cá nên duy trì mức nước trên tối thiểu 0,3-0,4m nhằm ổn định nhiệt độ nhất là trong mùa nắng nóng. Khi sử dụng thuốc nông dược cần lưu ý các loại thuốc không được sử dụng như: Furazon, Fastac, Thiodan, Decis, Sherpa … Thay nước khi chất lượng nước xấu, nước có mùi hôi,… cá nổi đầu vào sáng sơm, chỉ nên thay nước khoảng 20-30% để tránh tình trạng cá bị sốc. Việc thay nước sẽ tăng thêm oxy, giảm các chất độc trong nước, kích thích cá hoạt động và bắt mồi. Lưu ý khi thay nước phải xác định được nguồn nước cấp có đảm bảo yêu cầu hay không để tránh tình trạng làm xấu đi hoặc ô nhiễm chất lượng nước trong ruộng nuôi. Khi thu hoạch có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ cá nuôi trong ruộng. Cuối vụ chiêm, sau khi nuôi sau 5-7 tháng, hạ dần mực nước ruộng để cá tập trung xuống mương bao, sau đó dùng lưới kéo, số còn lại tát cạn và thu hoạch thủ công.
Có thể thấy cả ba hình thức nuôi cá trong ruộng lúa chủ yếu là tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên một phần nhưng những năm gần đây đang cho nguồn thu nhập tốt, ngoài thu hoạch lúa còn có thu nhập từ cá, bên cạnh đó cải thiện đáng kế chất đất các chân ruộng sau mỗi vụ nuôi cá và trong quá trình sản xuất cũng hạn chế được một phần thuốc bảo vệ thực vật, bên cạnh nhiều khuyến khích của tỉnh và các huyện và đặc biệt là thành công bước đầu của nhiều hộ dân sẽ là những tiền đề để nông dân an tâm phát triển cá lúa trong những năm tiếp theo./.
           
                    Thu hoạch cá ruộng tại hộ anh nguyễn Hồng Trường xã phú thành, Yên thành
                                                             Hoàng Oanh - nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh3-1.jpg hh7-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg hh2.jpg hh6-2.jpg z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây