Kết quả từ đề án" Nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp tại Kỳ Sơn, Tương Dương và Quỳ Châu"

Thứ tư - 24/04/2019 22:23 706 0
Thực hiện Quyết định 390/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất tại huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu tỉnh Nghệ An”
Kết quả từ đề án" Nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp tại Kỳ Sơn, Tương Dương và Quỳ Châu"
 Ngày 25 tháng 01 năm 2016 trước sự chứng kiến của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, Hợp đồng được ký giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt nam - chi nhánh Nghệ An (BIDV) với hai cơ quan là Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Giống cây trồng. Tổng kinh phí BIDV tài trợ 5 tỷ đồng, thời gian thực hiện 12 tháng (từ tháng 01/2016 - tháng 12/2016), địa điểm thực hiện tại các huyện" Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu - tỉnh Nghệ An. 
             Mục tiêu Đề án: Nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao, tiếp nhận khoa học công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật tạo ra các sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất tại vùng đề án. 
 Các nội dung chính gồm: 
          - Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nông nghiệp, khuyến nông viên xã và lao động nông nghiệp. 
 - Hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp;
 - Truyền thông về chủ trương, chính sách và các mô hình sản xuất có hiệu quả cao nhằm nhân ra diện rộng.
 Sau một năm thực hiện Đề án đã có những thành công bước đầu trong công tác nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ vào sản xuất Nông nghiệp tại các điểm triển khai:
        Kết quả các nội dung do Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An thực hiện gồm:
1- Quy trình nhân giống cây Đinh lăng bằng phương pháp giâm hom được hoàn thiện hơn, kết luận qua các công thức thử nghiệm cho thấy: Che nắng 70% luống giâm đến trước khi xuất vườn 15 - 20 ngày, luôn giữ độ ẩm luống giâm mức 80 - 85%, định kỳ phun 2 tuần/lần bằng thuốc trừ nấm (Aliette) và thuốc trừ sâu (Regent), định kỳ 5 ngày phun bổ sung phân bón qua lá kết hợp tưới nước ngâm phân lân pha loãng, thời gian giâm hom vào vụ xuân và vụ thu.
Đối với nhân giống Đinh lăng bằng nuôi cấy mô tế bào được kết luận: Vật liệu nhân giống được sử dụng là chồi dài 3-4 cm gồm có đỉnh sinh trưởng và 2-3 mầm nách, sử dụng dung dịch HgCl2 để khử trùng mẫu trong thời gian 5 phút, môi trường tái sinh chồi thích hợp là MS cải tiến có bổ sung 3,0 mg BAP/lít, chu kỳ nhân nhanh là 4tuần/lần nhân, môi trường tạo rễ thích hợp là môi trường MS cải tiến có bổ sung 0,8 mg NAA + 0,2 g than hoạt tính/lít môi trường, cây con huấn luyện trong thời gian 2 tuần được cấy vào bầu đất chứa giá thể  gồm: Đất + xơ dừa + Trấu với tỷ lệ 1:1:1 + nấm đối kháng Trichoderma.
2- Đã tạo ra được 20.000 cây giống Đinh lăng và trồng mô hình 2,0 ha tại xã Tam Quang - huyện Tương Dương và xã Châu Hạnh - huyện Quỳ Châu (mỗi điểm 1,0 ha), có tỷ lệ cây sống ổn định trên 90%. 
3- Xây dựng mô hình sản xuất giống lúa DCG72 (Khang dân cải tiến) tại 4 huyện thuộc Đề án: (18 điểm mô hình với diện tích 90 ha), đây là giống lúa có sức sống khỏe,  có khả năng chống chịu tốt với các loại sâu bệnh, năng suất thực thu đạt 51,3 - 60 tạ/ha, vượt so với giống địa phương đang sản xuất đại trà (lúa địa phương, Vật tư NA2, Thiên ưu 8) từ 2,9 - 44,4%. Gắn với mô hình có 18 lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh lúa Khang dân cải tiến, với tổng số 1.080 người tham gia, đối tượng là cán bộ xã và nông dân tham gia mô hình và ngoài mô hình. Tổng thu từ mô hình đạt xấp xỉ 3.000 triệu đồng/90 ha/4 tháng.
Kết quả các nội dung do Trung tâm Khuyến nông thực hiện gồm: 
1-Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap (trồng Bí xanh địa phương và Bí lai): Qui mô 12,0 ha (mỗi huyện 3 ha), có 72 hộ tham gia, tổng sản lượng bí quả thu được từ mô hình đạt 192,9 tấn, tương đương 964 triệu đồng/ 6,68 ha/3tháng (có 5,32 ha tại Quỳ Châu và Quế Phong bị thiệt hại do mưa lũ ngập nhiều ngày trong thời gian bí chuẩn bị ra hoa vào tháng 9/2016).
2. Mô hình trồng chè Tuyết Shan theo hướng VIETGAP: Qui mô 10 ha tại xã Huồi Tụ - Kỳ Sơn, 10 hộ tham gia. Chè được trồng bằng cây giống giâm cành, tỷ lệ cây trồng sống đạt 93%, cây sinh trưởng và phát tiển tốt. 
3. Mô hình dây chuyền chế biến chè Tuyết Shan bố trí tại Tổng đội TNXP8 - Xây dựng kinh tế - huyện Kỳ Sơn, qui mô đầu tư dây chuyền đồng bộ máy sấy S20, máy vò Ø255 và lò phản nhiệt có công suất lớn nhằm nâng cao năng suất chế biến và tạo ra sản phẩm chè Tuyết Shan  chất lượng cao đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu. Sau khi có dây chuyền các thiết bị, việc chế biến chè đã giảm được ngày công so với thiết bị cũ (giảm thời gian sao sấy chè), tăng năng suất sản phẩm lên 100% (trước khi chưa có máy chỉ chế biến được 1 tấn chè búp tươi/ ngày, sau khi  có hệ thống máy mới đã chế biến đạt 2 tấn búp tươi/ngày). Hệ thống lò sấy mới tiết kiệm năng lượng chất đốt 20 - 30% so với sử dụng lò đốt ống gang thông thường, có chế độ giữ nhiệt luôn lưu thông khí trong lò, không bị tắc tàn tro trong ống lò trong quá trình sử dụng. Hệ thống sấy chè mới đã góp phần nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm chè xanh.
4. Mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học: Qui mô 4000 con (mỗi huyện 1000 con), 26 hộ tham gia, mô hình đạt hiệu quả cao: Tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng (sau 3 tháng nuôi) tại các điểm đạt 93- 95%, tăng hơn 30 - 35% so với phương pháp nuôi truyền thống tại địa phương, giống gà Ri lai tăng trọng nhanh, màu sắc đẹp, trọng lượng bình quân đạt 1,8- 2,0kg/con. Tổng sản lượng thịt gà thu được từ mô hình đạt 7.108 kg, sản phẩm dễ tiêu thụ. 
         5. Mô hình:  Chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học: Qui mô 1000 con gà và 4 máy ấp trứng (mỗi huyện 250 con và 01 máy ấp trứng), 21 hộ tham gia. Mô hình đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học, kết quả gà sinh trưởng phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt trung bình tại các điểm đạt 92,75%, sau 5 tháng gà đã sang giai đoạn đẻ trứng với tỷ lệ mái đẻ trung bình tại các điểm đạt 98,48%. Trọng lượng mái đẻ đạt từ 1,4- 1,7 kg/con, máy ấp đã hoạt động, tỷ lệ ấp nở đạt trên 80%, đàn gà đã được nhân nhanh tại tất cả các điểm. 
 6. Mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học, qui mô 200 con (mỗi huyện 50 con), 24 hộ tham gia, áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, kết quả mô hình đạt  tỷ lệ sống 99,5%, đàn lợn tăng trọng nhanh, trọng lượng bình quân khi xuất chuồng tại các điểm đạt 89,25kg/con/4 tháng.
 Đồng thời với xây dựng các mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện 26 lớp tập huấn với tổng số lượt người tham gia 1.720 người, trong đó học viên nữ 1.008 người (chiếm 57,2%), học viên dân tộc thiểu số 1.647 người (chiếm 97,3%); đối tượng là cán bộ nông nghiệp, khuyến nông viên xã, nông dân tham gia mô hình và ngoài mô hình; nội dung tập huấn: Các tiến bộ khoa học công nghệ mới, các quy trình sản xuất thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn vệ sinh thực phẩm; biên tập và xuất bản 5000 tờ rơi các loại về quy trình sản xuất an toàn cây trồng, vật nuôi chủ yếu để phổ biến rộng rãi tới người sản xuất tại vùng đề án và các vùng có điều kiện tương tự. Các phóng sự truyền hình về các mô hình hiệu quả đã được phát trên các Đài PTTH tỉnh, huyện nhằm tạo sức lan tỏa và nhân rộng mô hình.
        Việc phối hợp giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển và Ngành Nông nghiệp PTNT đã góp phần nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống, giảm bớt khó khăn cho một bộ phận cán bộ và người dân các huyện miền núi cao Kỳ sơn, Tương Dương, Quế phong và Quỳ Châu. Hy vọng qua kết quả Đề án, BIDV cũng như các Ngân hàng khác sẽ tiếp tục có nhiều chương trình phối hợp qui mô lớn hơn đối với phát triển Nông nghiệp và PTNT nhằm hỗ trợ sản xuất phát triển, giúp các địa phương xóa đói, giảm nghèo và khai thác tiềm năng lợi thế để làm giàu chính đáng góp phần ổn định an ninh lương thực Quốc gia./.  
                                                Nguyễn Thị Hà - Trung tâm Khuyến nông Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây