Nhân rộng mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong nông nghiệp ở Diễn Châu

Thứ tư - 24/04/2019 22:44 861 0
Với phẩm chất cần cù và sáng tạo trong lao động, làm ăn phát triển kinh tế, những năm qua, bà con nông dân Diễn Châu tiếp tục có những mô hình cây con không chỉ khai thác hiệu quả lợi thế đất đai địa phương mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao đến bất ngờ.
Nhân rộng mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong nông nghiệp ở Diễn Châu
Đó là mô hình trồng khoai lang Nhật ở xã Diễn Lâm, Diễn Châu. Trong một thời gian dài, cùng với sự đi lên của đời sống của người dân, diện tích trồng khoai trên địa bàn tỉnh ta nói chung và Diễn Châu nói riêng giảm hẳn. Không những thế, có thời điểm cây khoai lang gần như bị “phụ” bạc khi sản phẩm khoai chủ yếu phục vụ chăn nuôi. Tại Diễn Lâm, một xã bán sơn địa, đồng đất cưỡng, chiêm khô mùa úng, khá phù hợp với cây khoai lang nhưng cũng bị người dân quay lưng.
    Thế nhưng, từ năm 2017, khởi đầu từ một dự án hỗ trợ giống khoai lang Nhật của khuyến nông huyện, tiềm năng của cây khoai lang, khoai riềng ở Diễn Lâm như được đánh thức. Không những vậy, người dân còn được hứa hẹn nếu tinh bột khoai lang, khoai riềng đạt chất lượng còn được dùng làm nguyên liệu sản xuất thành miến khoai để xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc. Trên cơ sở vận động, triển khai của xã đầu năm 2017, hơn 10 hộ dân ở xóm 12, xã Diễn Lâm đứng ra nhận mô hình. Người nhận được đầu tư 100% giống, hỗ trợ 30% vật tư phân bón. Vụ đầu tiên là khoai vụ Xuân, Diễn Lâm trồng 5 sào và sau đó vụ Đông trồng 5 sào. Với năng suất bình quân đạt 5 tạ/sào, mặc dù chưa được như thiết kế nhưng hiệu ứng từ giống khoai lang lạ nên người dân muốn dùng thử. Sản phẩm làm ra chủ yếu bán lẻ và được các nhà hàng khách sạn mua, với mức bán tại đồng 8.000 đồng/kg nên dù chưa cao nhưng giá trị kinh tế tăng gấp 2 lần so với trồng lúa. Trên cơ sở thành công, vụ xuân năm 2018 này, Diễn Lâm tiếp tục vận động bà con duy trì 1 ha khoai lang tại xóm Hùng Sơn. Hiện tại, khoai lang vụ Xuân đang vào kỳ thu hoạch và mặc dù đang bán lẻ nhưng khá hiệu quả.
 Ông Tạ Thanh Hảo - Chủ tịch UBND xã Diễn Lâm đánh giá: mặc dù là giống khoai Nhật cơ bản quy trình chăm sóc cũng giống như khoai lang Việt Nam, phải làm luống, bón phân kỹ càng hơn và chi phí phù hợp với bà con nông dân. Từ mô hình điểm, bà con rất phẩn khởi tin tưởng, trồng cây khoai lang Nhật là hướng đi mới cho bà con nhân dân, vừa khai thác được lợi thế vùng đất cưỡng thường khô hạn vào mùa hè nhưng lại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về lâu dài, căn cứ vào phân tích về tinh bột, xã và huyện đang kêu gọi thu hút nhà đầu xây dựng Nhà máy chế biến miến tại xã. Nếu thành công và xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc thì đây là hướng đi rất tốt cho xã và huyện. Tuy nhiên để có nhà máy thì huyện phải có cách nhân rộng mô hình, xây dựng vùng nguyên liệu thật bài bản.
- Mô hình luân canh gối vụ trên vùng đất cát
Đây là mô hình gia trại tổng hợp trên đất cát khô nóng của anh Trần Văn Triều ở xóm 11, xã Diễn Mỹ. Sinh năm 1969, là một người lăn lộn và chịu khó, để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, anh Triều đi nhiều nơi và làm nhiều nghề để rồi anh nhận thấy, khám phá cơ hội chính là ở quê hương mình và quyết định về quê đầu tư làm mô hình kinh tế theo hướng gia trại tổng hợp. 
Nhận thấy vùng đất cát bạc màu ven biển thường thiếu nước tưới, trước đây chỉ trồng vừng và làm được 1 vụ rau nên không hiệu quả, bà con phần đa bỏ hoang.  Anh Triều xin với xóm và xã gom tất cả đất của anh em con cháu; đồng thời nhận thầu thêm một số diện tích của các hộ khác làm không hiệu quả để cho liền một thửa thửa. Tổng diện tích khoảng trên 1 ha, anh Triều thiết kế thành 3 vùng để làm gia trại tổng hợp khép kín. Khoảng 1.000 m2 diện tích anh bố trí thành khu chăn nuôi, gần 500 m2 bố trí làm nơi trồng rau, ngô để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, phần diện tích còn lại anh dành để làm nhà lưới trồng trọt. 
Nhờ mô hình khép kín này, các rau quả, ngô hạt và thực phẩm làm ra anh dành nuôi gà và bò, lợn; đổi lại, phân bón từ chăn nuôi bò và gà, một phần anh dùng làm phân bón hữu cơ và một phần dùng làm giun quế để quay trở lại phục vụ làm thức ăn chăn nuôi. Với cách thiết kế gia trại trên, anh Triều có điều kiện vừa làm vừa rút kinh nghiệm để từng bước đầu tư mở rộng sản xuất. Tiếp chúng tôi, anh Triều cho biết: để có mô hình vừa trồng trọt và chăn nuôi đồng bộ như hôm nay, anh đã đầu tư trên 400 triệu đồng để cải tạo chuồng trại theo hướng VietGap, làm hệ thống nhà lưới giảm nhiệt vào mùa nắng nóng và ống phun tưới nhỏ giọt giữ ẩm, làm rau màu và quả quanh năm. Cách làm trên, giúp  anh vừa tận dụng đất cát, canh tác gối vụ quanh năm, lại tiết kiệm được nước tưới và tiết giảm được công lao động.
    Nhờ cách làm sáng tạo trên nên gia trại anh Triều sản xuất không kể vụ, mùa nào có sản phẩm ấy, từ rau màu mùa đông đến củ quả trong mùa hè…; trại chăn nuôi của gia đình lúc nào cũng có trên 4.000 con gà đủ các loại, đủ lứa đảm bảo hàng tháng cung cấp sản phẩm cho các đối tác. Năm đầu tiên, mặc dù đang trong giai đoạn kiến thiết và chưa có thống kê chính thức nhưng gia trại đạt doanh thu gần 300 triệu đồng, tạo việc làm thu nhập ổn định cho 4- 5 lao động trong gia đình. Nhận thấy mô hình rất phù hợp với vùng đất cát ven biển, Phòng Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện Diễn Châu trích ngân sách 100 triệu đồng để hỗ trợ gia đình đầu tư duy trì mô hình nhà lưới và hệ thống bơm tưới cho cây trồng cạn.
    - Trồng thanh long ruột đỏ trên đất bạc màu cao cưỡng 
    Đó là mô hình của ông Lưu Đình Liên ở xóm 3, xã Diễn Liên, Diễn Châu. Trước đây, khi ông Liên chưa nhận đất thì đây là vùng đất cao cưỡng, bậc thang, người dân bỏ hoang nhiều năm liền, không sản xuất cũng chẳng chăn nuôi được. Trên cơ sở chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế của địa phương, dù gần 60 tuổi nhưng ông Liên rất quyết tâm. Sau đi học hỏi một số nơi trong và ngoài tỉnh, ông Liên về bàn với gia đình và xin nhận thầu lại khoảng 1 ha tại khu vực trên, sau đó đầu tư cải tạo thành trang trại tổng hợp.
 Nhận thấy đây là vùng đất cưỡng bậc thang khá bạc màu nên cần có cây trồng phù hợp, trên cơ sở đã tham vấn, học hỏi, ông Liên vào tận Bình Thuận để tuyển lựa giống thanh long ruột đỏ và học hỏi kỹ quy trình chăm sóc, sử dụng phân bón… Sau khi đưa 700 gốc thanh long đỏ ruột về trồng theo kế hoạch, trong thời gian chờ đợi thanh long, ông Liên còn trồng trên 200 gốc ổi, táo và đu đủ; kết hợp nuôi khoảng 500 con gà vịt xen canh dưới gốc thanh long và trên 200 đôi bồ câu.
    Từ cách làm “lấy ngắn nuôi dài” hợp lý, sau hơn 5 năm đầu tư cơ bản, từ 2015 đến nay, mỗi năm trang trại ông Liên cho doanh thu trê 500 triệu đồng, trong đó vườn thanh long khoảng 200 triệu đồng và còn lại là các sản phẩm khác. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm ông lãi khoảng 150 triệu đồng, trong đó lãi từ mô hình thanh long đỏ ruột 100 triệu. Ngoài việc tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong gia đình, gia trại còn tạo việc làm cho từ 5- 7 lao động thời vụ. Hiện nay, ngoài sản xuất thanh long hàng hóa, để phục vụ nhu cầu bà con trong tỉnh, ông Liên đang ươm chiết khoảng 1.000 mầm để cung cấp cho các huyện Tân Kỳ, Đô Lương…
    Ông Lưu Đình Liên chia sẻ: sau khi có sản phẩm và gia trại, ông và 21 thành viên trang trại, gia trại trong xã đang xúc tiến thành lập HTX dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt để từng bước sản xuất theo hướng sạch, liên kết mở rộng thị trường, đảm bảo sản phẩm làm ra có thương hiệu, nguồn gốc để tiêu thụ bền vững hơn. Từ những mô hình và chịu khó làm ăn như ông Liên mà trên địa bàn xã Diễn Liên mặc dù là xã vũng trũng, đất cao cưỡng nhưng có mô hình sôi động nhất nhì huyện Diễn Châu khi tới có 48 mô hình gia trại, trang trại VAC tổng hợp.
    Ông Phan Huy Hảo – Trạm trưởng Trạm khuyến nông Diễn Châu cho biết: cùng với các mô hình dưa chuột ở Diễn An, cây cà chua vào Diễn Thành đang được triển khai khá thành công, các mô hình trên thực sự tiêu biểu cho nỗ lực chủ động vươn lên và sáng tạo làm ăn phát triển kinh tế của bà con nhân dân huyện. Mặc dù theo cơ chế, mỗi mô hình khuyến nông được hỗ trợ chưa nhiều (bình quân mô hình từ 70-100 triệu đồng) nhưng trên cơ sở mô hình thử nghiệm, nhiều hộ đã chủ động đầu tư, sáng tạo trong làm ăn, sau đó huyện hỗ trợ, tiếp sức thêm.
 Nhờ sự chủ động nay, đến nay trên địa bàn huyện có tổng công 164 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có những mô hình cây trồng mới cho giá trị cao, lãi bình quân từ 120 triệu/ha trở lên. Thời gian tới, huyện đang cố gắng vận dụng các cơ chế để không chỉ đầu tư 100% giống, hỗ trợ 30% vật tư phân bón và tập huấn mà còn tích cực chuyển đổi đất để hình thành vùng chuyên canh, tăng cường kết nối với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy thì mới động viên bà con tiếp tục đầu tư đi vào sản xuất lớn, đảm bảo các mô hình thử nghiệm có hiệu quả kinh tế cao sẽ tiếp tục được nhân rộng./. 
 
                                        Nguyễn Hải - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
IMG-8363-3.jpg IMG-2168.jpg z5175174958158-bb2526c428da909419d8a2caefc39251-1-7.jpg Ong-Nguyen-Cuong-kiem-tra-tom-trong-be-cong-nghe-cao-theo-qu IMG-0392-9.jpg 20240106-101045-4.jpg a2-3.jpg z5006794703446-4905d71d69db129c098d64ed093a43e8.jpg IMG-4626.jpg rrrr.jpg ga.jpg Vuon-cam-duoc-cham-soc-theo-quy-trinh-huu-co-nen-kha-sach-be z4984936786801-2d432b8802aaa72bce7a1cbefd82e73a.jpg IMG-1378.jpg Mo-hinh-cham-soc-bao-ve-theo-quy-trinh-huu-co-cua-ong-Bui-Va
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây