Những mô hình cây con tiên phong, mở hướng làm ăn ở Tam Quang -Tương Dương

Thứ tư - 24/04/2019 22:38 748 0
Nhắc đến thành tích về đích Nông thôn mới (NTM) ở Nghệ An trong năm 2017 vừa qua, trong số các xã được công nhận đạt chuẩn, xã Tam Quang, huyện Tương Dương là một trong số những xã để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu đậm nhất.
Những mô hình cây con tiên phong, mở hướng làm ăn ở Tam Quang -Tương Dương
 Đây không chỉ là xã biên giới đầu tiên của tỉnh ta đạt bộ tiêu chí quốc gia về NTM mà còn là một trong những địa phương có ngành nghề, mô hình cây con khá đặc sắc và đa dạng. Để có được chuyển biến trên, công đầu thuộc về những ông chủ và những “cộng tác viên” khuyến nông “cầm tay chỉ việc” mở hướng cho bà con.
Mô hình đầu tiên là của gia đình ông Tống Văn Chiến (54 tuổi) ở bản Bãi Sở. Là một trong những gia đình đầu tiên ở Nam Đàn nghe theo tiếng gọi của Đảng lên định cư ở vùng biên giới những năm 50 của thế kỷ trước. Vì vậy, cuộc đồi của ông Chiến đều gắn liền với mảnh đất này và một điều luôn làm ông băn khoăn đau đáu là tiềm năng đất đai, nhất là vùng đất bãi khá lớn nhưng chọn cây con nào phù hợp để làm ăn, phát triển kinh tế là bài toán không dễ. Với hơn 4 sào đất trong vườn và một số diện tích nhận khoán ngoài bãi, xác định vừa làm vừa học nên thời gian đầu ông nuôi khá nhiều vật nuôi, từ bò, lợn, gà, ngan đến trồng các cây như ngô, mía, lạc… nhưng nhìn chung đều chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Phải đến đầu năm 2013, qua một vài lần làm thử và được bạn bè giới thiệu, ông Chiến được biết ở Vĩnh Phúc có giống thanh long đỏ có nhiều ưu điểm và phù hợp với vùng đất bãi Sở, Tam Quang nên ông ra mua giống về trồng. Năm đầu tiên, ông trồng chỉ 2 sào và kết quả thu được mong đợi khi thời gian trồng chỉ hơn 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch) nhưng cho thu nhập 20 triệu đồng/sào. Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm, năm 2014 ông nhân diện tích thanh long lên 4 sào. Quá trình làm, ông cũng nhận thấy thanh long thường bị ốc sên, rầy và sâu keo leo lên phá hoại và ảnh hưởng đến việc ra quả. Ban đầu cũng rất lúng túng nhưng sau khi được cán bộ khuyến nông khuyến cáo, thay vì dùng các loại thuốc xử lý, ông Chiến làm thử và chọn cách nuôi ngan ngay dưới gốc thanh long. Cách này vừa xử lý hiệu quả nạn ốc sên, sâu rầy leo lên thân thanh long phá hoại đồng thời lại phát triển được chăn nuôi. Bên cạnh đó, để có phân bón hữu cơ để cải tạo và mở rộng diện tích thanh long, ông Chiến cũng tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn, bò và gia cầm khác.
Ông Chiến cho biết thêm: thanh long đỏ phù hợp với đất Tam Quang, khi ăn có vị riêng nên được người tiêu dùng khu vực TP Vinh và Anh Sơn, Tân Kỳ rất ưa chuộng, đến tận vườn đặt hàng; bình quân từ 0,7- 0,8 kg/quả, nếu chăm sóc tốt có quả đạt trên 1 kg. Hiện tại, với 4 sào thanh long, trồng 6 tháng, mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng. Ngoài thời gian trồng thanh long, từ tháng 2 đến tháng 9 ông nuôi ngan, làm dưa chuột và dưa đỏ xen trong vườn và ngoài bãi nên chỉ chưa hơn 4 sào đất nhưng thu nhập mỗi năm trên 120 triệu đồng. Ngoài ra, ông nhận thêm đất khoán đất bãi để trồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người đến gia đình ông mua giống nên cùng với đầu tư chăm sóc vườn thanh long tại nhà, ông Chiến học hỏi, dâm giống và chuyển giao công nghệ trồng thanh long đỏ cho bà con. Hiện tại, ngoài việc ươm hàng ngàn gốc thanh long giống, ông Chiến đã trồng 160 gốc/trụ thanh long cho bà con thị trấn Hòa Bình, xã Yên Na (Tương Dương). Các hộ mua giống được ông Chiến tận tình hướng dẫn cách đúc, dựng cọc bê tông; đồng thời, cách làm xen canh dưới gốc thanh long, duy trì khoảng cách trồng từ 2- 2,5 m/gốc để dễ chăm sóc…
Nhờ vai trò gương mẫu, đi đầu trong làm ăn, phát triển kinh tế và đóng góp nhiều công sức vào xây dựng NTM nên ông Chiến là cá nhân duy nhất của xã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích chung tay xây dựng NTM. 
Mô hình thứ 2 ở Tam Quang mà chúng tôi thật sự thán phục là mô hình cây ăn quả của chàng thanh niên trẻ Lê Đăng Dần ở xóm Bãi Sở. Năm nay vừa tròn 32 tuổi nhưng anh là chủ mô hình cho mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng ở xã Tam Quang, là niềm tự hào của thế hệ trẻ xã Tam Quang. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết mảnh đất đồi trên 3 sào mà anh Dần canh tác hiện nay nguyên là một triền đồi đất bạc màu nằm phía sau nhà. Thế nhưng, dưới bàn tay và nhiệt huyết của mình, chỉ sau 3 năm cải tạo, Dần đã biến mảnh đất cằn trở thành một vườn cây xanh mướt và cây trái xum xuê khiến ai chứng kiến cũng phải thán phục. 
Để có được thành tích trên, Dần cho biết cũng phải trăn trở rất nhiều. Sau khi học hỏi kinh nghiệm cách làm ăn ở các nơi về, nhận thấy mảnh đất thiếu nước ngọt nơi gần nhà mình chỉ phù hợp với cây táo, mít nên năm 2014, Dần ra Học viện giống cây nông nghiệp Hà Nội xin tư vấn và mua 70 gốc táo Đại về trồng. Cùng với mua giống, Đại cũng mạnh dạn vay vốn để cải tạo lại vườn đồi, phía dưới thì đào ao lấy nước để sau đó lắp đặt hệ thống bơm đưa nước lên cao để tưới trở xuống. Chỉ với 2 năm trồng cây táo đã cho thu hoạch. Với 3 sào và 70 gốc táo, mỗi cây cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí công chăm sóc khoảng 300 ngàn/gốc, vụ đầu tiên Dần lãi 50 triệu đồng là thành quả ngoài mong ước.
Nhờ biết cách chăm sóc nên hiện mô hình táo đại của Dần đã cho vụ thu hoạch thứ 3, bình quân thu về từ 70- 80 triệu mỗi năm. Hiện tại, để tận dụng quỹ đất và hệ thống bơm tưới, từ năm 2016, Dần tiếp tục mua 20 gốc mít giống Thái Lan, ổi, cam và quýt về trồng thử. Nhìn chung, các cây trồng mới đều phát triển khá tốt, trong đó cây mít Thái tiềm năng phát triển khá tốt và theo thiết kế, mỗi quả cây từ 3-5 quả, mỗi quả 6 kg, giá 10.000 đồng/kg thì hiệu quả thu được cao. Hiện tại, với môi hình 1,5 ha, nếu mô hình thành công thì không chỉ bài học cho riêng mô hình của Dần mà còn cho bà con xã Tam Quang vì đầu ra của loài cây trái này khá lớn.
Trao đổi với chúng tôi, Dần cũng cho hay: hiện tại mô hình của mình phần đa là do tự mày mò tìm hiểu, học hỏi và may mắn nên mới có thành công. Thời gian sắp tới, mong được sự vào cuộc của khuyến nông huyện và tỉnh đồng hành, đúc kết để cơ sở nhân rộng cho bà con học hỏi. Ngoài ra, về lâu dài, nếu sản xuất quy mô lớn, các chủ mô hình như anh rất cần được hướng dẫn và kết nối với thị trường để vừa sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn mà lại có đầu ra bền vững hơn.
 Ông Hồ Viết Sơn – Chủ tịch UBND xã Tam Quang đánh giá: mô hình của ông Tống Văn Chiến và Lê Đăng Dần là những mô hình mới, tiêu biểu cho phong trào sản xuất kinh doanh mới của xã nên lãnh đạo xã rất quan tâm, khuyến khích. Các mô hình thành công chứng tỏ tiềm năng đất bãi Tam Quang còn nhiều chưa được khai phá hết và các mô hình là hình mẫu để bà con học hỏi, vươn lên làm ăn. 


                                              Nguyễn Hải - nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
IMG-8363-3.jpg IMG-2168.jpg z5175174958158-bb2526c428da909419d8a2caefc39251-1-7.jpg Ong-Nguyen-Cuong-kiem-tra-tom-trong-be-cong-nghe-cao-theo-qu IMG-0392-9.jpg 20240106-101045-4.jpg a2-3.jpg z5006794703446-4905d71d69db129c098d64ed093a43e8.jpg IMG-4626.jpg rrrr.jpg ga.jpg Vuon-cam-duoc-cham-soc-theo-quy-trinh-huu-co-nen-kha-sach-be z4984936786801-2d432b8802aaa72bce7a1cbefd82e73a.jpg IMG-1378.jpg Mo-hinh-cham-soc-bao-ve-theo-quy-trinh-huu-co-cua-ong-Bui-Va
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây