Huyện Diễn châu (Nghệ An) có một vùng đất màu rộng hơn 4300 ha chạy dọc sáu xã nằm cạnh quốc lộ 1A và bao quanh 9 xã ven biển. Đây là vùng đất cát pha, có độ mùn cao thích nghi với các loại cây họ đậu và rau dưa ngắn ngày.
Trong hơn 30 năm đổi mới, Tổng công ty giống cây trồng trung ương, Sở Nông nghiệp PTNT Nghệ An, viện giống cây trồng Bắc Trung Bộ, trung tâm khuyến nông tỉnh và huyện đã mở hàng chục cuộc hội thảo đầu bờ, xây dựng mô hình khảo nghiệm trồng dưa hấu đỏ, ngô lai CP 501, ngô nếp lai MX 10, lạc L14, L23 phủ nilon, nuôi tôm trên cát, sản xuất muối sạch theo công nghệ trải bạt ô kết tinh, trồng rau sạch trong nhà lưới đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đã có 3 loại cây trở thành thương hiệu là lạc L14, dưa hấu đỏ, vừng vàng V6, bởi lạc, vừng Diễn Châu có hàm lượng tinh dầu cao, còn dưa hấu đỏ có vị thơm và ngọt. Đã có hàng trăm hộ dân thoát nghèo, trở thành triệu phú nhà nông nhờ trồng dưa hấu đỏ. Tiêu biểu ở xã Diễn Thành có anh Lê Thiện Cường ở xóm 4 được bà con gọi với cái tên trìu mến “Vua dưa hấu”, người có “thâm niên” trồng dưa hấu đỏ, với diện tích mỗi vụ từ 5-7 sào. Ngay trong vụ hè thu năm 2017, anh trồng 7 sào dưa, năng suất đạt bình quân 1,5 tấn/sào, bán giá nhập tại ruộng 6.500 đ/kg. Trừ các khoản chi phí, anh Cường còn lãi 9 triệu đồng/sào. Tổng thu nhập 7 sào dưa là 63 triệu đồng. Còn trồng hoa, lai tạo cây cảnh trở thành tỷ phú có 2 giáo dân Nguyễn Đại Phó và Nguyễn Viết Cường ở giáo xứ Đông Tháp, xã Diễn Hồng. Cả hai ông thành lập doanh nghiệp trồng hoa, lai tạo cây cảnh, với diện tích từ 1-1,5ha/doanh nghiệp. Nhờ gieo trồng kịp thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỷ thuật nên mùa vụ nào, hai ông cũng lai tạo được hàng chục loài hoa, cây cảnh đẹp để bán. Doanh thu mỗi năm đạt từ 1,5-2 tỷ đồng/doanh nghiệp, tạo việc làm cho 15 lao động.
Từ mô hình trồng lạc phủ nilon ở Diễn Thịnh, trồng dưa hấu đỏ ở Diễn Phong, trồng rau sạch ở Diễn Thành, trồng hoa ở Diễn Hồng. Đến nay bà con vùng màu Diễn Châu đã có hơn 25 năm trồng lạc theo công nghệ phủ nilon, 7 năm trồng dưa hấu đỏ và rau sạch hàng hoá. Khai thác vùng đất bốn mùa cây trái xum xuê “hái ra tiền”, huyện chỉ đạo hướng dẫn bà con nông dân thực hiện luân canh gối vu với công thức: Lạc xuân + vừng, dưa hấu, dưa lê hè thu + ngô, rau sạch vụ đông, trồng xen lạc, ngô, vừng, đậu độ để tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích, xây dựng vùng chuyên canh trồng lạc, vừng, dưa hấu đỏ. Trong đó, vụ xuân trồng 3000 ha, lạc từ 150-200 ha dưa hấu đỏ. Vụ hè thu trồng 2200 ha, vừng 300 ha, dưa các loại 300ha. Còn vụ đông tập trung trồng 2.500 ha ngô và 1500 ha rau ngắn ngày, trong đó có 600 ha rau sạch bán vào dịp giáp tết. Xã Diễn Phong thành lập 10 câu lạc bộ trồng dưa hấu đỏ, với hơn 400 hộ tham gia. Hai xã Diễn Hồng và Diễn Thành, mỗi xã xây dựng 2 làng trồng rau sạch, một làng trồng hoa, với diện tích mỗi làng có 4 ha hoa, từ 15-30 ha rau sạch. Xã Diễn Kỷ, ngoài việc trồng 30 ha rau ngắn ngày, 3 ha hoa, còn trồng 80 ha lạc vụ đông để cung ứng lạc giống cho cả huyện. Xã Diễn Thành còn có 4 hộ đầu tư trồng rau sạch trong nhà lưới, theo hướng Việt gáp, mỗi nhà lưới rộng từ 1000-1500m2. Xã Diễn Thịnh chuyển 20 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang xây dựng 2 khu công nghiệp như mở 13 cơ sở làm đại lý, xây dựng 340 cửa hàng và chuyển 1300 hộ vào thu mua sơ chế lạc, mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 2500 – 3000 tấn nông sản như lạc, vừng, đậu xanh. Năng động trong sản xuất kinh doanh, bà con vùng màu ven biển Diễn Châu còn khai hoang phục hoá, tận dụng ao đầm bãi bồi để nuôi trồng thuỷ sản, làm VAC và trồng cây chắn sóng với diện tích hơn 1000 ha, trong đó có 650 ha trồng cây chắn sóng, diện tích còn lại nuôi tôm, cua xuất khẩu. Xã Diễn Trung xây dựng hai làng chăn nuôi tập trung, trong đó làng nuôi tôm có 67 hộ, với diện tích hơn 50 ha. Còn làng nuôi gà công nghiệp có hơn 120 hộ mỗi hộ nuôi 3 lứa/năm, mỗi lừa từ 2000 con đến 8000 con/hộ. Đến nay Diễn Trung có đàn gà nhiều nhất huyện với hơn 50 vạn con/năm. Sản lượng tôm nuôi đạt giá trị mỗi năm từ 10-15 tỷ đồng. Người nuôi tôm giỏi nhất xã là anh Ngô Xuân Đại nuôi 4 ha tôm thẻ chân trắng, thu mỗi năm từ 2-3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 lao động. Huyện và cac xã sớm có chính sách kích cầu hỗ trợ bà con nông dân xây dựng mô hình, cánh đồng cho thu nhập cao, mở rộng vùng trồng rau và các loại cây lấy củ, quả tạo ra hàng hoá quanh năm. Cụ thể kéo điện ra đồng đào giếng khoan tại ruộng, lấy nước tưới cho rau, dưa, cho hộ nghèo ứng trước vật tư phân bón đến mùa thu hoạch mới trả. Hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng để làm nhà lưới trồng rau, xây dựng mô hình cho thu nhập cao. Công tác an ninh được đảm bảo để bà con nông dân yên tâm làm lán trại ngoài đồng để chăm sóc, bảo quản dưa và sản phẩm sau khi thu hoạch. Các xã gắn việc xây dựng nông thôn mới với việc đồn điền đổi thửa, làm giao thông thuỷ lợi, mở rộng tôn cao bờ vùng, bê tông hoá đường từ làng ra đồng để xe ô tô đến tận ruộng vận chuyển tiêu thụ rau, dưa. Vào mùa thu hoạch, các xã cử cán bộ tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, xây dựng, thương hiệu rau củ quả. Trạm khuyến nông, phòng nông nghiệp huyện phối tợp với hội nông dân các xã mở hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, cách thâm canh từng loại giống cây trồng, chăm sóc bón phân cân đối (đạm, lân, kali). Với cách làm này đã giúp cho bà con nông dân gieo trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Các loại cây trồng cứ bén theo tay người cho năng suất cao. Hầu như ngày nào, tháng nào cũng có rau củ quả và sản phẩm từ biển để bán. Năng suất lạc xuân cao nhất tỉnh đạt 35 tạ/ha, ngô vụ đông đạt bình quân 50 tạ/ha. Các loại cây ngắn ngày như dưa hấu, dưa lê, xu hào, bắp cải, cà chua, khoai tây, bầu bí, dưa chuột, vừng vàng V6, đậu xanh thu từ 8 đến 12 triệu đồng/sào.
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, với tinh thần “đất nào cũng làm ra sản phảm”, Diễn Châu đã biến 4300 ha đất màu khô hạn trở thành vùng kinh tế trù phú, đưa hệ số sử dụng đất đạt từ 3-4 lần/năm. Từ những xóm nghèo ven biển trước đây nay trở nên giàu có, với hơn 3600 ha cánh đồng cho thu nhập từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đòng/ha. Đó là chưa kể hơn 5800 hộ làm VAC, thương mại, dịch vụ, thu nhập mỗi năm từ 150 triệu đồng đến 400 triệu đồng hộ/năm. Nguồn lợi mà biển đem lại cho bà con ngư dân mỗi năm hơn 700 tỷ đồng. Ngoài việc đánh bắt, nuôi trồng 32.000 tấn thuỷ hải sản, chế biến tiêu thụ hơn 10 triệu lít nước mắm, các xã vùng màu ven biển Diễn Châu còn sản xuất mỗi năm hơn 13.000 tấn nông sản, trong đó có 10.000 tấn lạc hàng hoá, cùng với hàng triệu tấn rau củ, quả không những xoá đói giảm nghèo mà con nâng cao đời sống nhân dân với mức thu nhập bình quân 40 triệu đồng người/năm. Đến tháng 9/2017 toàn vùng đã có hơn 80% số hộ giàu và khá, đạt danh hiệu “gia đình văn hoá”. Hộ nghèo chỉ còn 3%, 7 xã vùng màu của huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí. Lê Hoài Thung