Thứ năm, 26/12/2024, 18:11

Chủ động phòng và chống bệnh đạo ôn cổ bông ngay từ bây giờ

Chủ nhật - 21/04/2019 05:03 1.151 0
Bệnh đạo ôn trên cây lúa là loại bệnh phát triển mạnh trong vụ xuân do thời tiết trong vụ này ẩm độ không khí cao, sương mù nhiều, có mưa phùn thường xuyên xảy ra là cơ hội và là điều kiện thuận lợi cho bào tử nấm bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển gây hại mạnh trên cây lúa.
Chủ động phòng và chống bệnh đạo ôn cổ bông ngay từ bây giờ
 Ngoài điều kiện thời tiết ra, bệnh đạo ôn còn phát triển mạnh trên những chân ruộng bón phân mất cân đối, bón nhiều đạm, ít lân và ít kali. Đặc biệt những ruộng lúa vốn dĩ đất đã tốt, ruộng sục bùn (Ruộng hẩu), nếu bón phân ít lân và kali thì chính những ruộng lúa này là cơ hội cho bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông và còn có thêm bệnh bạc lá phát triển mạnh.
Bệnh đạo ôn có đặc điểm chung là: phát sinh nhanh, phát triển mạnh khi có điều kiện như nói ở trên và mức độ lây lan rất nhanh chóng. Vì vậy mức độ gây hại rất lớn, nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời.
Bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa cả ở trên lá và ở cổ bông lúa.
Bệnh đạo ôn lá: Bệnh đạo ôn lá thông thường gây hại nặng nhất là giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ đến khi lúa có đòng (cuối tháng 2 đến đầu tháng 3). Hiện tại theo Chi cục trồng trọt và BVTV trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha lúa đang bị bệnh đạo ôn lá phá hoại.
Để phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá, bà con nông dân cần thường xuyên đi thăm đồng vào buổi chiều khi trời không có mưa, hoặc sương mù đã khô lá lúa để dễ nhìn thấy trên lá lúa có vết bệnh đạo ôn hay không.
Vết bệnh đạo ôn trên lá lúa có hình bầu dục, hình thoi, màu sắc vết bệnh khi mới xuất hiện (mới hình thành) có màu nâu, màu gạch cua. Rất dễ nhầm lẫn vết bệnh đạo ôn với vết bệnh đốm nâu và bệnh tiêm lửa. Cả 2 loại bệnh đốm nâu và tiêm lửa có hình tròn và xuất hiện vết bệnh dày đặc hơn.
Vết bệnh đạo ôn khi mới hình thành ở giai đoạn cấp tính, vết bệnh có màu nâu hay màu gạch cua. Ở giai đoạn này mức độ lây lan nhanh, tàn phá lá lúa mạnh trong khoảng thời gian từ khi phát bệnh đến khi lá lúa bị cháy lụi khoảng 5-7 ngày. Vì vậy chỉ cần phát hiện bệnh chậm hoặc phun thuốc phòng trừ không kịp thời là cả ruộng lúa sẽ bị tàn phá. Sau thời gian 5 - 7 ngày nói trên, vết bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, lúc này ở giữa vết bệnh có màu trắng đục, phần trắng đục đó chính là phần lá lúa bị phá hủy, mục nát. Nếu vết bệnh lan truyền dày đặc thì cả lá lúa bị rách nát, lá lúa cháy lụi và từ đây các bào tử nấm đạo ôn lại tiếp tục bay vào không khí để đi gây bệnh ở những ruộng lúa khác, cánh đồng khác…
- Bệnh đạo ôn cổ bông: Bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện vào giai đoạn lúa trổ đến ngậm sữa. Lúc này gặp thời tiết âm u, ẩm độ không khí cao hoặc có mưa gió nhỏ thì bệnh càng dễ dàng phát sinh gây hại rất nặng. Bệnh đạo ôn cổ bông rất khó phát hiện và khi đã phát hiện ra bệnh thì không còn khả năng cứu chữa thành công và những bông lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông lúc này lép gần như 100%, nếu những hạt lúa còn lại không bị lép thì cũng là hạt lúa lửng và gạo ăn có vị đắng chát, không thể nấu thành cơm ăn được.
Nguy hiểm nhất của bệnh đạo ôn cổ bông là như vậy. Vì vậy cách tốt nhất đề phòng bệnh này chỉ có cách chủ động phun thuốc phòng trừ trước khi lúa trổ là biện pháp an toàn nhất.
Biện pháp phòng trừ: Hiện nay trên đồng ruộng lúa đã đẻ xong và đang chuẩn bị làm đòng trổ bông. Nhưng rất đáng tiếc, trên diện tích lúa gieo sạ lúa gieo quá dày, lại gặp thời tiết âm u, sương mù nhiều và đây là cơ hội để bệnh đạo ôn càng có điều kiện phát sinh gây hại lớn và đáng lo sợ nhất là bệnh đạo ôn cổ bông. Vì vậy đề nghị bà con nông dân:
Một: Bón phân thúc nuôi đòng phải nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây, xem thời tiết để bón hợp lý. Đất tốt, ruộng lúa tốt, trời âm u bón ít phân và chỉ nên bón chủ yếu kali để cây lúa cứng cây, bông chắc, nhiều hạt, ít bị lép và hạn chế sự xâm nhập của bệnh đạo ôn. Số lượng phân kali có thể bón từ 3 - 4 kg/sào là vừa đủ. Ngược lại với những ruộng lúa đất kém màu, lúa xấu thì lượng phân bón cho cây lúa lúc này cần cả đạm, lân, kali. Nhưng để bón hợp lý, bón đúng nhu cầu về dinh dưỡng cho cây lúa lúc này là đạm và kali. Trong đó kali phải bón nặng hơn đạm để đề phòng thừa đạm "giả tạo" do bón nhẹ kali dễ gây ra hiện tượng lốp lá và sẽ tạo cơ hội cho bệnh đạo ôn xâm nhập phá hoại. Vì vậy, tốt nhất nên sử dụng loại phân NPK 15-5-20 để bón là an toàn nhất. Số lượng cần bón lúc này có thể từ 5-7 kg/sào tùy theo lúa tốt xấu khác nhau. Nếu không bón NPK loại 15-5-20 thì phải bón từ 2-3 kg đạm + 3-4 kg kali.
Hai: Phải thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện sớm vết bệnh đạo ôn khi mới hình thành để phòng trừ ngay mới có hiệu quả. Với bệnh đạo ôn phát hiện chậm, phát hiện ra bệnh nhưng chần chừ, chậm chạp trong phòng chống bệnh sẽ rất nguy hiểm, do đặc thù của loại bệnh này là lây lan nhanh, phá hoại mạnh, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông.
Ba: Phát hiện trên lá lúa có vết bệnh đạo ôn mới phát sinh (dạng cấp tính) thì phun thuốc phòng trừ ngay và chỉ nên phun vào buổi chiều trời khô ráo, lá lúa không ướt do mưa hoặc sương mù…
Để không mua phải thuốc kém chất lượng, thuốc dởm, thuốc giả, thuốc quá hạn sử dụng, bà con nông dân nên đến các cửa hàng vật tư nông nghiệp, vật tư thuốc BVTV do các Trạm BVTV huyện, thị xã bán để mua đúng thuốc. Loại thuốc đặc hiệu sử dụng phòng chống bệnh đạo ôn hiệu quả nhất nên mua các loại thuốc sau: Beam 75 WP, Kabim 30 WP, Filia 525 SE… Liều lượng dùng theo khuyến cáo có ghi ở ngoài vỏ bao bì và phải phun đủ 24 lít nước thuốc đã pha cho 1 sào lúa.
Riêng đối với bệnh đạo ôn cổ bông cũng phun những loại thuốc nói trên, nhưng cần lưu ý:
- Trước khi lúa trổ, nếu trời âm u, sương mù nhiều hoặc mưa kéo dài thì nhất thiết phải tổ chức phun phòng bệnh ngay, phun khi lúa bắt đầu trổ và phun lại lần thứ 2 khi lúa xong hoàn toàn nếu lúc này trời vẫn âm u.
Trường hợp khi lúa trổ ruộng lúa vẫn sạch bệnh đạo ôn, trời nắng đẹp, nhiệt độ không khí cao, ẩm độ không khí thấp thì có thể không cần phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông lúc này.
      

Doãn Trí Tuệ - nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh6-2.jpg hh2.jpg hh7-1.jpg hh3-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg mo-hinh-luon-4.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây