Với lợi thế có đất vườn đồi rộng gia đình anh Nguyễn Văn Chiến ở xóm 8 xã Nam Anh đã mạnh dạn đưa cây mít Thái về trồng với diện tích hơn 4 ha cho hiệu quả kinh tế thực sự cao.
Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn mít xanh ngắt lúc lỉu quả, chị Hằng - vợ anh Chiến tâm sự: Trên vùng đất này trước đây nhà tôi trồng chủ yếu cây sắn và ngô nhưng cho hiệu quả kinh tế thấp lắm. Thời gian đi làm thuê trong Tây Nguyên anh Chiến thấy cây mít Thái khá dễ trồng, mang lại thu nhập cao cho người dân trong đó. Vốn là người nhanh nhạy anh vừa làm thuê vừa học hỏi kinh nghiệm trồng mít từ các nhà vườn, năm 2013 anh ấy bàn với tôi thử mua hơn 300 cây mít Thái về trồng. Không ngờ giống mít Thái lại thích ứng tốt với vùng đất ở đây và sinh trưởng phát triển rất nhanh, qua 3 năm trồng cây đã cho thu hoạch. Giá mít Thái trên thị trường từ 25 - 30 ngàn đồng/kg nhưng nhà chị chủ yếu bán cho bà con lối xóm chỉ 10 - 15 ngàn/kg. Theo ghi chép của chị Hằng thì năm vừa rồi gia đình thu được hơn 200 triệu tiền bán mít. Quả mít Thái đang được nhiều người ưa chuộng bởi ít xơ, xơ cũng có thể ăn được và rất ngon, múi giòn, ráo, vị ngọt đậm và thơm mát. Trên thị trường mít Thái trong miền Nam đưa ra rất nhiều nhưng vì lo sợ không đảm bảo an toàn nên nhiều người còn e ngại. Cứ vào vụ mít sắp chín vườn của gia đình anh Chiến luôn tấp nập người vô ra mua mít ăn và làm quà biếu, không đủ cung cấp cho thị trường. Theo anh chia sẻ thì kỹ thuật trồng cây mít Thái khá đơn giản, không tốn công chăm sóc, ít khi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho thu hoạch nhanh, năng suất cao, đậu trái quanh năm. Kinh nghiệm của gia đình anh trong quá trình chăm sóc thì mỗi cây mít anh chỉ để 4 - 5 quả để tập trung dinh dưỡng nuôi quả to, đạt chất lượng (mỗi quả nặng từ 10 - 12kg). Cộng với việc bón phân chăm sóc tốt nên vườn mít của gia đình anh có quả quanh năm, múi to, ngọt bán rất được giá. Nếu để quá nhiều quả/cây sẽ hại sức cây làm cho quả nhỏ, chất lượng kém và cây sẽ chậm ra lứa khác. Ngoài ra cần thường xuyên tỉa cành cho mít thông thoáng để tránh bị lây nhiễm nấm bệnh.
Tưởng rằng giống mít Thái chỉ thích hợp trồng trong Miền Nam nhưng qua 5 năm trồng tại xã Nam Anh cho thấy sinh trưởng phát triển tốt và đạt chất lượng cao không thua kém những nơi khác. Ông Trần Văn Nam, trưởng ban Nông nghiệp xã cho biết: “anh Chiến là một trong những nông dân tiên phong trồng mít Thái trên đất Nam Anh và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Anh năng động luôn tìm kiếm những phương pháp làm mới áp dụng trên chính mảnh vườn của mình. Thấy được hiệu quả nên 3 năm trở lại đây tại địa bàn xã đã có một số hộ gia đình đưa cây mít Thái về trồng đang cho thu hoạch với giá trị kinh tế rất cao".
Để tăng thêm thu nhập cho gia đình anh Chiến đã trồng thêm gần 100 gốc ổi lê Đài Loan xen trong vườn mít, 200 gốc táo đại và táo đào vàng trên diện tích đất liền kề. Tuy chưa cho quả toàn bộ nhưng năm vừa rồi từ cây táo và ổi gia đình anh thu thêm gần 30 triệu đồng.
Như vậy với tư duy mạnh dạn đưa những cây trồng mới thay thế những cây trồng kém hiệu quả trên vùng đất canh tác của mình, trồng mít Thái sẽ là một hướng đi mới cho bà con nông dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo ở nông thôn còn nhiều khó khăn.
Hồ Thị Hòa – nguồn TSKN