Thứ hai, 06/01/2025, 16:25

Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh

Thứ hai - 02/12/2024 20:39 258 0
Phát triển nông nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu không riêng gì ở một quốc gia nào, mà là của cả thế giới hiện nay. Tăng trưởng xanh trong nông nghiệp là mô hình nông nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người; vừa thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí đảm bảo hệ sinh thái phát triển, sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh
Chính vì vậy, cả nước ta, từ đồng chí Tổng Bí thư  Tô Lâm, đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn luôn nhắc nhở tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, hướng tới tăng trưởng xanh của cả nền kinh tế xanh.
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH LÀ TẤT YẾU
Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh là mô hình nông nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho mọi người dân, vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe con người. tăng trưởng xanh cũng có thể hiểu là một mô hình nông nghiệp được áp dụng đồng bộ các quy trình, xử lý, tái sử dụng các chất thải hữu cơ từ sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản. Như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của thiên nhiên.
Thực chất tăng trưởng nông nghiệp xanh là một nền nông nghiệp tổng hòa bao trùm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp có trách nhiệm. Trong đó, phổ biến nhất là nông nghiệp hữu cơ. Bởi vì tất cả các quy trình và biện pháp phát triển các loại hình nông nghiệp nói trên đều hướng tới các lợi ích cơ bản, đó là: giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người; tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, cân bằng hệ sinh thái và duy trì sự đa dạng sinh học. Tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để sản xuất có lãi. Tất cả hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững từ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20250, đúng như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 về giảm phát thải khí nhà kính bằng O vào năm 2050 và điều đó đã được thể hiện tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 đã khẳng định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thân thiện với môi trường.
KHÓ KHĂN VÀ HẠN CHẾ
Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh là mô hình sản xuất còn mới lạ, chưa được phổ biến và áp dụng nhiều vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, tập trung nhiều vào các khó khăn, hạn chế sau đây:
Thứ nhất: Từ sau khi thực hiện chủ trương “hóa học hóa nông nghiệp” làm cho mô hình nông nghiệp truyền thống vốn có của nông nghiệp Việt Nam trở thành nền nông nghiệp gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí, chất lượng sản phẩm và sức khỏe con người do sử dụng quá nhiều các loại phân bón hóa học, nhất là đạm, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng... đã thành thói quen trong sản xuất. Bởi sử dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp vừa đơn giản vừa gọn nhẹ, dễ thực hiện, lại nhanh thấy hiệu quả. Vì vậy, việc bỏ đi không sử dụng nữa hoặc hạn chế sử dụng không phải nói là làm được, mà phải là một quá trình chờ đợi và giảm dần đến lúc thấy cần thiết phải bỏ hoặc có sử dụng cũng không nhiều.
Thứ hai: Diện tích canh tác ngày càng thu hẹp lại do nhu cầu dân số tăng đòi hỏi tăng năng suất, tăng sản lượng lương thực để đảm bảo an ninh lương thực, nên ít nhiều chưa thật sự quan tâm lắm đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Thứ ba: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng đã và đang đặt ra cho người sản xuất nhiều khó khăn trong việc tìm hướng đi phù hợp để sản xuất có hiệu quả nhất, mà không gặp phải trường hợp khó tiêu thụ như đã xảy ra vừa qua.
Thứ tư: Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh là mô hình sản xuất còn mới lạ, chưa phổ biến, chưa được áp dụng nhiều vào sản xuất hiện nay. Vì vậy phải đầu tư nhiều vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng mô hình, tham quan, hội thảo. Nếu không làm tốt những nội dung công việc nói trên thì mức độ thành công bị hạn chế.
Thứ năm: Giá thành các sản phẩm nông nghiệp xanh cao hơn nông nghiệp truyền thống, gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm và chủ trương mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp xanh.
Thứ sáu: Chủ trương liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa các nhóm hộ nông dân với nông dân, giữa các cơ sở sản xuất với nhau, giữa các vùng miền ở các địa phương khác nhau chưa được triển khai và hình thành. Sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn đang trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ chưa thật sự thành những vùng hàng hóa lớn. Trong khi đó, vai trò quy hoạch và chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa ở các vùng, miền chưa rõ ràng, chưa có định hướng cụ thể để làm cơ sở cho việc phát triển lầu dài.
Thứ bảy: Các mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân để tạo ra chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn rất lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
Trong bối cảnh tăng trưởng xanh và một nền nông nghiệp sạch, an toàn được xác định là xu hướng tất yếu trong sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Đặc biệt ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030.
Để sản xuất nông nghiệp xanh thực sự được phát triển đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021 - 2030. Chúng ta cần cùng với bà con nông dân tổ chức thực hiện và áp dụng tốt mọi số biện pháp chủ yếu sau đây:
Một: Nhân rộng những mô hình sản xuất đã có trong thời gian vừa qua, như:
Mô hình cánh đồng mẫu lớn được áp dụng quy trình canh tác thực hành nông nghiệp tốt VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices). Các sản phẩm VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hàm lượng đạm nitrat, các kim loại nặng, số lượng vi sinh vật và ký sinh trùng đều được kiểm soát ở mức giới hạn cho phép, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các loại cây trồng nông nghiệp đều được áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp - IPM (Integrated Pest Managemt) giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc BVTV độc hại tồn dư trong sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng; nâng cao năng suất, chất lượng và lợi nhuận trên một đơn vị canh tác cho nông dân.
Thực hiện rộng rãi mô hình hệ thống canh tác lúa cải tiến - SRI (System of Rice Intensification). Phương pháp canh tác lúa cải tiến mang lại năng suất cao và hiệu quả kinh tế lớn cho bà con nông dân, làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí sản xuất về giống, phân bón, thuốc BVTV, tiết kiệm nước tưới...
Hai: Tuyệt đối không lạm dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật sự cần thiết và khi sử dụng cần tuân theo phương pháp 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và đúng cách).
Giảm lượng phân bón vô cơ các loại, nhất là đạm hóa học không nên bón quá 30% tổng lượng dinh dưỡng dạm (bao gồm cả đạm vô cơ và hữu cơ cộng lại trong cả vụ sản xuất). Sử dụng nhiều phân đạm hóa học sẽ làm tăng tích lũy nitrate (NO3) nhiều trong các sản phẩm nông sản gây ảnh hưởng lớn cho sức khỏe con người. Tốt nhất khuyến khích bà con nông dân sử dụng càng nhiều các loại phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh, phân rác, than bùn, phân hữu cơ vi sinh...) càng nhiều càng tốt.
Chỉ đạo và hướng dẫn bà con nông dân áp dụng phương pháp tưới nước nông - lộ - phơi cho cây lúa để vừa tiết kiệm nước; vừa làm cho cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, ít bị sâu bệnh; vừa giảm lượng khí độc methane (CH4) phát thải vào không khí.
Tăng cường mở rộng mô hình sử dụng hầm khí biogar trong các trang trại, gia trại và hộ gia đình chăn nuôi để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa đem lại nhiều lợi ích cho gia đình, như: sử dụng khí gar nấu ăn, thắp sáng...
Ba: Phát triển nông nghiệp xanh nên gắn với du lịch, các trang trại, nông trại, các làng nghề truyền thống văn hóa, lịch sử... tạo ra những sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, đẹp, an toàn ở mọi vùng miền để thu hút khách đến tham quan du lịch, như: Đảo chè Thanh Chương, trang trại cam sạch Đồng Thành huyện Yên thành, rừng Pù Mát và các sản phẩm dược liệu dưới tán rừng ở Con Cuông, trang trại bò sữa TH, trang trại hoa Hướng dương ở Nghĩa Đàn.
Bốn: Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình của tỉnh về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó cần chú trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên lộ trình thực hiện các nhiệm vụ để tạo sự chuyển biến tăng trưởng xanh của toàn ngành nông nghiệp.
Năm: Tỉnh cần ưu tiên tập trung nhiều vào việc phát triển mạnh công nghiệp chế biến các loại nông - lâm - thủy hải sản; tăng cường cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất; tạo điều kiện về cơ chế chính sách, quy trình công nghệ cho nông dân, cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, liên kết phát triển thành chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao.
Sáu: Khuyến khích cá nhân, tổ chức, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN mới, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư nhiều vào các dự án mới, nhất là các dự án sản xuất hàng hóa có giá trị cao, chế biến các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh để đem lại giá trị và hiệu quả cao.
Bảy: Trên cơ sở quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Trung ương phê duyệt, UBND tinh cần xác định rõ định hướng phát triển chủ đạo mang tính đột phá cho các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Tám: Không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đường bộ có sự gắn kết và liên thông xã, huyện, vùng, miền, các khu công nghiệp chế biến...
Chín: Cần có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo 4 định hướng: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững và có sự cam kết chuyển giao công nghệ.
Mười: Tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Doãn Hạnh Lâm - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a1-16.jpg a15-12.jpg a4-17.jpg a20-1.jpg a19-1.jpg a5-14.jpg a18-8.jpg a2-14.jpg a17-10.jpg a06-2.jpg a07-1.jpg a09.jpg a02.jpg a08-3.jpg a01-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây