Thứ hai, 06/01/2025, 04:24

Giải pháp tốt nhất để phòng chống bệnh đạo ôn trên lúa xuân hiện nay

Thứ tư - 04/03/2020 20:43 1.287 0
Đối với cây lúa, bệnh đạo ôn gây hại ở tất cả các giai đoạn và ở tất cả các bộ phận của cây lúa. Nguyên nhân gây bệnh là do nấm Pyricularia Oryzae gây ra. Bào tử nấm rất nhỏ, có thể bay cao, bay xa nên rất dễ lây lan nhanh trên diện rộng.
Giải pháp tốt nhất để phòng chống bệnh đạo ôn trên lúa xuân hiện nay
Bệnh có thể phát sinh từ thời kỳ cây mạ đến khi lúa chín và gây hại ở bẹ lá, lá, lóng thân, cổ bông, dé và hạt lúa. Bệnh có thể xẩy ra quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất, gây thiệt hại nặng nhất chủ yếu trong vụ xuân.
Toàn tỉnh, trong vụ lúa xuân hàng năm có từ 13.000 - 17.000 ha lúa bị nhiễm loại bệnh này, trong số này có 5.000 - 7.000 ha bị nặng, thậm chí có những diện tích không có thu hoạch. Nếu hạt lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn thì không những hạt bị lép và nếu không bị lép thì hạt gạo đó khi xay xát sẽ nát vụn và nấu thành cơm cũng không ăn được, vì có vị đắng chát.
Tính đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh đã gieo cấy hơn 84.000 ha lúa, trong số này có trên 50.000 ha gieo cấy các giống lúa thuần và hơn 30.000 ha gieo cấy các giống lúa lai. Số lượng các giống lúa được bà con nông dân ở các vùng miền trong tỉnh gieo cấy khoảng trên 40 giống lúa khác nhau. Trong đó có 13 giống lúa lai và hơn 30 các giống lúa thuần.
Có 2 vấn đề có thể khẳng định, đó là: Không có giống lúa nào có kháng được bệnh đạo ôn và bệnh đạo ôn trên lúa vụ xuân năm nay sẽ phát sinh sớm, lây lan nhanh. Nếu không chủ động phòng chống kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.
Điều kiện thời tiết những ngày vừa qua và cả hôm nay trời vẫn âm u kéo dài, sương mù nhiều, ẩm độ cao, ánh sáng ít… là cơ hội cho bệnh đạo ôn phát triển mạnh và nhanh.
Theo số liệu báo cáo nhanh của các huyện, thành thị, thì hiện nay toàn tỉnh đã có gần 30 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn ở mức độ từ 5 - 10% trở lên. Nhưn theo đánh giá của chúng tôi thì diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn hiện nay phải gấp 10 lần con số đó. Các giống lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn nhiều nhất là: AC5, BC15, TBR225, XT28, IR1820, P6… Có nơi diện tích bị hại lên đến 25 - 30%. Những địa phương có diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn nhiều như: Hưng Dũng, Hưng Lộc (TP Vinh), Hưng Châu, Hưng Phúc, Hưng Lợi, Hưng Phú… (Hưng Nguyên); Thanh Yên, Thanh Hà (Thanh Chương), Nghĩa Dũng, Nghĩa Đồng… (Tân Kỳ) v.v…
Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh bệnh gây hại trên lá lúa. Khi lúa làm đòng và trổ bông bệnh sẽ gây hại ở bẹ lá và ở cổ bông. Thậm chí cả ở vỏ hạt lúa.
Khi lá lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn ta sẽ thấy lúc đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ, màu xanh xám, sau lớn lên có dạng hình thoi (mắt én) có màu nâu và sau đó 3 - 5 ngày khi bệnh chuyển sang thể mãn tính thì quanh vết bệnh có viền nâu, ở giữa vết bệnh có màu xám trắng, các vết bệnh dày đặc trên lá lúa liên kết lại với nhau làm lá lúa cháy khô và các bào tử nấm lúc này sẽ phát tán ra để lan truyền và gây bệnh trên diện rộng.
Trên bẹ lá, thân cây và cổ bông lúa khi bị nhiễm bệnh đạo ôn, vết bệnh lúc đầu có màu xám xanh, sau chuyển dần sang màu nâu, bào tử nấm tấn công vào mạch dẫn gây cản trở việc vận chuyển các chất dinh dưỡng nuôi lá, thân và hạt, làm cho lá tàn lụi, thân dễ bị gãy, hạt bị lép lững.
Để phòng chống bệnh đạo ôn trên cây lúa xuân có hiệu quả cần thực hiện tốt mấy giái pháp sau đây:
Một: Thời tiết như hiện nay, lại đúng lúc phải bón phân thúc đợt 1 cho lúa đẻ nhánh là diều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh phát triển mạnh. Vì vậy khi bón phân thúc cho lúa nên: chia nhỏ lượng phân ra bón làm 2 lần, lần bón sau cách lần trước 8 - 10 ngày, nhất là loại ruộng là đất cát pha, thịt nhẹ càng cần phải áp dụng phương pháp bón ít, bón nhiều lần để vừa hạn chế lãng phí phân bón, vừa hạn chế lúa tốt lốp "tốt giả tạo"  rất dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn.
Phân bón thúc không nên bón phân đạm đơn, nên sử dụng phân hỗn hợp NPK loại 15-5-20 để hạn chế bón phân mất cân đối do quá nhiều đạm, ít lân, thiếu kali.
Hai: Thường xuyên thăm đồng quan sát kỹ trên lá lúa, nếu thấy trên lá lúa có vết bệnh là những chấm nhỏ lúc đầu là màu xanh xám, sau đó lớn lên có dạng hình thoi, hình bầu dục, có màu nâu thì phun thuốc phòng trừ ngay không chần chừ. Loại thuốc phun có hiệu quả nhanh nên dùng thuốc Beam 75WP liều lượng 30-40 gam pha với 24 lít nước để phun cho 1 sào (không dùng loại thuốc có chữ Bim 75 WP này). Hoặc có thể dùng loại thuốc Fujion 40 WP với liều lượng 50 gam pha trong 24 lít nước để phun cho 1 sào.
Phun thuốc phòng trừ kịp thời khi bệnh mới xuất hiện. Phun chậm ngày nào hiệu quả càng giảm ngày đó, vì vết bệnh từ cấp tính chuyển thành mãn tính, lúc này ở giữa vết bệnh có màu xám trắng, lá lúa đã bị rách, các bào tử nấm đã phát tán ra ngoài để tiếp tục gây bệnh trên cây lúa khác.
Khi phun thuốc cần lưu ý, không những phun trên cây lúa, lá lúa mà cần phải phun trên mép bờ ruộng để tiêu diệt mầm mống bệnh có nhiều trên lá cỏ dại quanh các bờ ruộng.
Ba: Đối với bệnh đạo ôn cổ bông khi đã gây bệnh trên cổ bông lúa thì phun thuốc để phòng trừ không có tác dụng. Dự báo bệnh đạo ôn cổ bông trên cây lúa vụ xuân 2020 này có khả năng phát triển mạnh trên quy mô lớn, nếu bà con nông dân không chủ động phòng chống tốt. Bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát triển mạnh khi thời tiết có mưa, nắng đan xen vào thời kỳ lúa chuẩn bị trổ và trổ bông. Bông lúa khi bị bệnh đạo ôn cổ bông thì hầu như lép lưỡng 100%. Vì vậy dối với loại bệnh này chỉ có phun phòng bệnh bằng các loại thuốc nói trên và phun đúng vào lúc lúa trổ được 3 - 5% số bông (lúa trổ le te), phun vào buổi chiều tối để không làm ảnh hưởng đến lúa trổ bông, phơi màu và thụ phấn.
                    
                                                                                  Doãn Trí Tuệ
                                                                   Thành phố Vinh - nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a1-16.jpg a15-12.jpg a4-17.jpg a20-1.jpg a19-1.jpg a5-14.jpg a18-8.jpg a2-14.jpg a17-10.jpg a06-2.jpg a07-1.jpg a09.jpg a02.jpg a08-3.jpg a01-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây