Nhà nông cần biết: Cam vinh tiếp tục mở rộng diện tích chỉ dẫn địa lý

Thứ năm - 02/01/2020 20:35 929 0
Cam vinh vào mùa thu hoạch:
Tại thời điểm này, một số địa phương ở Nghệ An bắt đầu vào mùa thu hoạch cam. Toàn tỉnh hiện có 5.627 ha, trong số này có gần 3000 ha cam kinh doanh. Năng suất vụ cam năm nay không cao, dự kiến đạt 160 - 165 tạ/ha, sản lượng khoảng 50.000 tấn, do giai đoạn từ sau khi ra hoa đến đầu tháng 8 bị hạn nặng, số quả trên cây bị giảm và trọng lượng quả cũng giảm.
Người có kinh nghiệm trồng và thâm canh cam giỏi ở vùng cam Phủ Quỳ là ông Nguyễn Công Biên ở xóm Minh Thọ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết: Gia đình ông có 1 ha cam Xã Đoài bước sang thu hoạch vụ thứ 2, dự kiến năng suất vụ cam năm nay đạt khoảng 180 tạ/ha, giảm 20 tạ/ha so với các vụ cam trước. Đặc biệt, giá cam thương lái đến tận vườn cam thu mua chỉ trả giá 27.000 đ/kg, thấp thua giá cam năm 2018 từ 2.000 - 3.000 đ/kg. Theo ông Biên, đầu vụ thương lái thường ép giá khi thu mua. Nếu cứ đồng ý bán với giá họ đưa ra thì họ sẵn sàng mua với số lượng lớn và trả tiền cọc ứng trước để giữ hàng và đề phòng giá tăng cao về sau. Biết vậy, mỗi ngày ông Biên chỉ xuất bán 1-2 tạ vừa đủ tiền chi tiêu hàng và chờ đến cuối tháng 11 trở đi mới thu hoạch đại trà để bán cho khách nhiều tỉnh, thành về mua.
Cũng tại xã Minh Hợp, ông Nguyễn Công Ý là người có diện tích cam lên đến 4 ha nhiều nhất xã, dự kiến từ cuối tháng 11 trở đi sẽ bắt đầu thu hoạch, năng suất cam ước đạt khoảng 170 - 180 tạ/ha. Theo ôn Ý cho biết, ngày nào cũng có các thương lái vào hỏi mua và đề nghị cho họ mua cả vườn cam hái quả dần theo yêu cầu của họ. Nhưng ông chưa vội bán, vì chưa biết giá cả cam năm nay sẽ như thế nào và giá cả đầu vụ thương lái thường mua với giá rất thấp nên ông chưa đồng ý bán.
Tại xã Đông Thành, huyện Yên Thành có trang trại cam Thiên Sơn do ông Trịnh Xuân Giáo chủ trang trại với quy mô 20 ha cam được trồng xoay quanh vùng núi đá Đồng Cò. Cam ở đây trồng chỉ một giống cam xã Đoài, với tên gọi phổ biến ở địa phương là "
Cam Đồng Thành" thơm, ngon, ngọt lịm. Theo ông chủ trang trại Trịnh Xuân Giáo cho biết: Vụ cam năm nay trang trại của ông có 20 ha, cả 20 ha đều cho thu hoạch và sẽ thu hoạch đại trà vào tháng 12 đến đầu tháng 01 năm sau, dự kiến năng suất cam vụ này đạt khoảng 240 - 250 tạ/ha, cao nhất tỉnh hiện nay.
Từ trang trại cam của ông Giáo mà rất nhiều bà con nông dân ở xã Đồng Thành đã học tập và làm theo ông Giáo trồng được 150 ha cam, nhà nhiều thì 1 sào, nhà ít thì 0,5 sào. Đặc biệt cam ở Đồng Thành rất sạch bệnh, không có hiện tượng vàng lá bã chè (bệnh Greening) như ở vùng cam Phủ Quỳ hiện nay. Sở dĩ vùng cam Đồng Thành không bị bệnh vàng lá bã chè là do 100% cây giống ở đây được trồng bằng giống sạch bệnh có kiểm chứng nguồn gốc rõ ràng và được bảo lãnh về chất lượng, ông Trịnh Xuân Giáo nói. Mặc dù chưa vào mùa thu hoạt đại trà nhưng khách hàng từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Huế… toàn là khách quen biết từ 2 năm nay đã đến trang trại cam của ông Trịnh Xuân Giáo và vào đến tận từng hộ trồng cam ở xã Đồng Thành để xem cam và thỏa thuận mua cam với giá 40.000 đ/kg cam loại 1 và 35.000 đ/kg cam loại 2. Sản lượng cam cả xã Đồng Thành dự kiến khoảng 2500 - 3000 tấn. Doanh thu vụ am năm nay ở xã Đồng Thành, trong đó có trang trại ông Trịnh Xuân Giáo ước tính đạt từ 70 - 80 tỉ đồng, một con số không nhỏ.
Mở rộng chỉ dẫn địa lý cam vinh:
Cách đây hơn 10 năm, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN đã có quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31 tháng 5 năm 2017, về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh ở 5 huyện với diện tích 1.681 ha ở 12 xã của 5 huyện, gồm: huyện Quỳ Hợp có xã Minh Hợp; huyện Nghĩa Đàn có các xã: Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng và xã Nghĩa Hiếu; huyện Tân Kỳ có các xã: Tân Phú, Tân An và xã Tân Long; huyện Nghi Lộc có các xã: Nghi Hoa, Nghi Diên; huyện Hưng Nguyên có xã Hưng Trung.
Tiếp đến, vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã có quyết định số 5004/QĐ-SHTT ngày 16/10/2019 về việc cấp giấy chứng nhận bổ sung chỉ giới địa lý cam Vinh cho 60 xã thuộc 9 huyện, thị gồm: Huyện Yên Thành có 5 xã, huyện Nam Đàn có 4 xã, huyện Nghi Lộc có 7 xã, huyện Tân Kỳ có 6 xã, huyện Nghĩa Đàn có 4 xã, huyện Quỳ Hợp có 4 xã, Thị xã Thái Hòa có 4 xã, huyện Thanh Chương có 5 xã, huyện Anh Sơn có 11 xã, huyện Con Cuông có 11 xã, với tổng diện tích lên đến 5.214 ha.
Quyết định cấp giấy chứng nhận bổ sung chỉ dẫn địa lý cam Vinh đến 60 xã thuộc 9 huyện, thị nói trên đã làm nức lòng người trồng cam trong tỉnh với hy vọng sản phẩm cam làm ra sẽ được tiêu thụ tốt và là động lực để người trồng cam mạnh dạn đầu tư nhiều vào cây cam theo hướng sạch, an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng.
Ông Vi Văn Đậu, Chủ tịch UBND xã Yên Khê, huyện Con Cuông sau khi nhận được thông tin sản phẩm cam của xã nhà được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh đã vui vẻ, phấn khởi nói: Xã chúng tôi có đến 260 ha cam trồng bằng giống cam xã Đoài và là xã có diện tích cam nhiều nhất huyện. Hai năm nay, mỗi năm cả xã bán ra thị trường hơn 2000 tấn cam quả. Chất lượng cam có thể nói là tuyệt vời, ăn ngon, thơm, ngọt lịm. Nhưng trước đây do không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh nên người trồng cam phải bán với giá thấp hơn 20 - 25% so với cam nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh được dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nghe được tin này, bà con nông dân chúng tôi vô cùng phấn khởi và chắc chắn rằng, từ nay trở đi họ sẽ đầu tư mạnh vào cây cam theo quy trình VietGAP đã và đang được chỉ đạo áp dụng hiện nay.
Để phát triển thương hiệu cam Vinh, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây cam như: cơ chế chính sách quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cam Vinh, xây dựng mô hình sản xuất cam VietGAP, hỗ trợ về công nghệ bảo quản cam, tổ chức hội chợ thương mại, quảng bá sản phẩm cam v.v…
Riêng Sở KH&CN đã phối hợp với Hội cam Vinh tổ chức in ấn và dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh cho các tổ chức và cá nhân trồng cam nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An cho rằng: Việc sử dụng logo cam Vinh và hệ thống nhận diện thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền là giải pháp để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt cam Vinh khác với các sản phẩm cam của các địa phương khác. Riêng đối với người trồng cam, việc cấp giấy chứng nhận chỉ giới địa lý cam Vinh và được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của họ bấy lâu nay và là điều kiện để quảng bá tại các hội chợ để nâng cao giá trị cam Vinh và cuối cùng là để nâng cao thu nhập cho người trồng cam.
                                                 

                                               Mô hình trồng Cam đảm bảo VSATTP tại xã Đồng Thành  - Yên Thành
                                                       Doãn Trí Tuệ - nguồn TSKN


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây