Hiệu quả mô hình trồng thâm canh mía LK9211 áp dụng cơ giới hoá trên đất trồng lúa kém hiệu quả

Thứ tư - 12/04/2023 03:50 714 0
Mía là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Nghệ An nói chung và Anh Sơn nói riêng. Nghệ An có vùng nguyên liệu trồng mía lớn tập trung với tổng diện tích mía nguyên liệu niên vụ 2021-2022 có 19.223ha, tập trung ở các huyện: Quỳ Hợp; Tân Kỳ; Nghĩa Đàn; Quỳ Châu; Quỳnh Lưu; Anh Sơn …
Hiệu quả mô hình trồng thâm canh mía LK9211 áp dụng cơ giới hoá trên đất trồng lúa kém hiệu quả
                       
Năng suất mía dự kiến đạt bình quân gần 61,0 tấn/ha, cao hơn vụ mía năm ngoái 5 tấn/ha, là năm đạt được năng suất cao nhất trong vòng 3-4 năm gần đây, sản lượng dự kiến đạt 1.173.000 tấn, phục vụ cho 3 nhà máy chế biến mía đường với tổng công suất thiết kế đạt 15.500 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diện tích, sản lượng mía của Nghệ An có chiều hướng giảm; so với năm 2015, diện tích mía toàn tỉnh hiện nay giảm khoảng 27,0%, sản lượng giảm 23,0%, năng suất tăng hơn 5,0%.

Ngày 11/11/2021 UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó đến năm 2025 diện tích mía toàn tỉnh là 26.700 ha (trong đó 5.000 ha mía công nghệ cao), sản lượng 2.000.000 tấn; đến năm 2030 diện tích là 25.700ha (trong đó 10.000 ha mía công nghệ cao), sản lượng 2.200.000 tấn. Ổn định công suất chế biến các nhà máy đã có, từng bước cải tiến công nghệ, dây chuyền chế biến tạo thêm các sản phẩm khác ngoài đường và sau đường. Tiếp tục thành lập, phát triển thêm cấc hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm mía đường theo chuỗi giá trị, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 55 HTX và đến năm 2030 có 110 HTX sản xuất mía đường.

Riêng huyện Anh Sơn trồng với hơn 1200ha diện tích mía nguyên liệu, cung cấp mía nguyên liệu cho 02 nhà máy đường: là nhà may đường Sông Lam và nhà máy đường Sông Con. Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất mía của huyện còn rất nhiều bất cập, hạn chế đó là: Việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất mía còn gặp khó khăn, các giống mía cũ bị thoái hóa tiềm ẩn một số bệnh nguy hiểm, nông dân có tư tưởng quảng canh, đầu tư thiếu cân đối dẫn đến năng suất cây mía giảm, thời gian lưu gốc ngắn. chưa tạo được nhiều liên kết chuỗi trong sản xuất …. ảnh hưởng đến thu nhập/đơn vị diện tích.

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2022 được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn đã xây dựng mô hình “Trồng thâm canh mía LK9211 áp dụng cơ giới hóa trên đất trồng lúa kém hiệu quả” tại xã Thọ Sơn nhằm chuyển giao các tiến bộ KHKT, nhân rộng giống mới chất lượng, áp dụng cơ giới hoá… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người sản xuât cây mía trên địa bàn.

Mô hình được triển khai tại xóm Đồng Ếch thuộc xã Thọ Sơn – huyện Anh Sơn với quy mô 5 ha có 17 hộ tham gia. Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 70% giống, phân bón, thuốc BVTV và được hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn áp dụng kỹ thuật, được tham gia các cuộc hội thảo nhân rộng và tổng kết đánh giá mô hình. Giống mía được Trung tâm Khuyến nông Nghệ An lựa chọn là giống mía LK 9211 có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận nguồn gốc giống và đảm bảo đúng tiêu chuẩn giống, sạch bệnh.

Trước khi triển khai trồng, các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, lấp hố và kỹ thuật trồng. Trong quá trình thực hiện đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương các xã trong công tác chọn điểm, chọn hộ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nên công tác triển khai luôn thuận lợi, tiến độ mô hình luôn được đảm bảo, đem lại hiệu ứng tốt trong vùng mô hình.

Kết quả, sau hơn 10 tháng tổ chức triển khai thực hiện, được các cán bộ chỉ đạo, tư vấn kỹ thuật thường xuyên theo dõi hiện trường, phát hiện kịp thời những diễn biết bất lợi cho mô hình, tham mưu xử lý hiệu quả sâu bênh gây hại nên mô hình đạt hiệu quả cao: Cây mía sinh trưởng phát triển tốt,tỷ lệ mọc mầm cao đạt 96%, sức đẻ nhánh của giống đạt 1,7%, đây là một giống có khả năng đẻ nhánh tốt, tốc độ tăng trưởng của giống mía giai đoạn đầu hơi chậm nhưng các giai đoạn sau tăng trưởng rất mạnh. Về chiều cao cây đạt 252,5 cm, đường kính thân 2,1 cm, năng suất bình quân đạt:92,1 tấn/ha, lãi thuần của mô hình đạt khá cao: 32.860.000đ/ha. Trong khi đó, đại trà năng suất đạt 79 tấn/ha,lãi thuần đạt 18.450.000đ. Mô hình lãi thuần cao hơn đại trà 14.410.000. Như vậy, mô hình cho kết quả cao, góp phần tạo ra thêm thu nhập đáng kể cho các hộ dân tham gia thực hiện mô hình.Kết quả trên cũng cho thấy cây mía rất phù hợp với chất đất, thổ nhưỡng và khí hậu của xóm Đồng Ếch thuộc xã Thọ Sơn – huyện Anh Sơn.

Trong suốt thời gian triển khai mô hình, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn các hộ từ khâu làm đất, bón lót phân, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, xử lý kịp thời khi sâu bệnh chớm xuất hiện, hướng dẫn tác động các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây mía. Tuy mía giống sạch bệnh, sau trồng 4 tháng đầu không xuất hiện sâu bệnh nhưng do thời tiết năm nay diễn biến thất thường, nên sau đó mía vẫn xuất hiện cào cào châu chấu gây hại với mật độ 10%, trung tâm DVNN đã hướng dẫn các hộ xử lý phòng trừ kịp thời vì vậy không ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó thời tiết ẩm, mưa nhiều nên xuất hiện rệp xơ bông trắng rải rác với tỷ lệ 5 -15%, ít nhiều đã ảnh hưởng đến năng suất chất lượng mía.

Thông qua mô hình giúp cho nông dân môt cách nhìn mới trong việc trồng mía theo kỹ thuật mới,áp dụng kịp thời cơ giới hoá tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống – phân bón – quy trình trồng và chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh…, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao ý thức thâm canh, nâng cao vị thế cũng như thương hiệu, chất lượng sản phẩm trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, làm tăng giá trị sản xuất hàng hóa và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, cho địa phương. Góp phần tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống vật chất – tinh thần cho các hộ trực tiếp tham gia mô hình.

Mô hình thành công cũng là điểm giúp người dân trong và ngoài vùng tham quan học hỏi, làm theo, hình thành được các vùng sản xuất mía quy mô lớn có liên kết trong sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững, từng bước đưa nghề sản xuất mía tại nhiều địa phương trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh và đạt được mục tiêu chung về phát triển cây công nghiệp của tỉnh nhà./.

 MH giống mía LK 9211- xóm Đồng Ếch - xã Thọ Sơn – huyện Anh Sơn
   
                                             
   Kim Ly - Trung tâm Khuyến nông
                                                   Nguồn: Tập san Khuyến nông

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây