Nguyên nhân vỗ béo trâu bò chậm lớn cần quan tâm

Thứ tư - 12/05/2021 04:42 1.903 0
Chăn nuôi trâu bò tỉnh Nghệ An khá phát triển, có đàn trâu bò thuộc tốp đầu cả nước với tổng số 766.000 con; trong đó trâu 268.000 con, bò 498.000 con (bò lai, bê lai: 330.000 con chiếm 66,26%% tổng đàn bò). Những năm gần đây tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển chăn; khuyến khích áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi trâu bò.
Nguyên nhân vỗ béo trâu bò chậm lớn cần quan tâm
Một trong những phương pháp đang được nhiều người chăn nuôi quan tâm áp dụng nhiều đó là vỗ béo trâu bò thịt, bởi không những phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc, tăng số lượng và chất lượng thịt khi giết mổ, mà còn đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn, nhất là đối với những con trâu, bò không sử dụng để cày kéo, vắt sữa, sinh sản, gầy yếu do thiếu dinh dưỡng đã tác động tực tiếp đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi. Nên giải pháp kỹ thuật tối ưu là vỗ béo trước khi xuất bán, giết thịt mới giải quyết được các mong đợi trên.
Người chăn nuôi khi vỗ béo trâu, bò thường cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh và tinh, áp dụng đúng quy trình phòng bệnh để trâu, bò tăng trọng nhanh, đem lại lợi nhuận cao hơn nhưng trâu, bò vẫn tăng trọng chậm, gầy hoặc không đạt được tăng trọng yêu cầu. Yếu tố trên do nhiều nguyên nhân tác động, nên cần kiểm tra, xác định để rút kinh nghiệm, khắc phục. Thời gian vỗ béo trâu, bò thường vào thời điểm thời tiết khí hậu mát mẻ, nguồn cung cấp thức ăn thô xanh nhiều và khoảng 2-3 tháng trước khi xuất bán hoặc giết thịt. Lưu ý giảm thiểu vỗ béo vào mùa lạnh, giá rét hoặc thời tiết không thuận lợi. Tuy nhiên khi vỗ béo trâu, bò người chăn nuôi đã đáp ứng đầy đủ cơ bản các điều kiện cần thiết, nhưng vẫn gặp trường hợp trâu, bò tăng trọng chậm. Cụ thể một số nguyên nhân thường gặp cần được lưu ý, khắc phục đó là:
Thứ nhất: Chọn trâu, bò vỗ béo rất quan trọng, đối với trâu, bò non thì phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, khung xương to vững chắc, lông da bóng mượt, có vóc dáng to lớn, khả năng sinh trưởng, phát triển cho thịt cao. Đối với trâu, bò già loại thải thì chọn càng gầy càng tốt (loại trừ yếu tố gầy do các bệnh mãn tính); nếu là con đực loại thải phải có vóc dáng to lớn, da mỏng, cơ thể vững chắc, khung xương to mới tích lũy được nhiều thịt sau khi vỗ béo; nếu là con cái loại thải tốt nhất chọn những con vừa kết thúc xong quá trình nuôi bê vì những con này trải qua quá trình nuôi con tiêu hao nhiều năng lượng và dinh dưỡng nên khả năng ăn vào rất tốt, hệ số tiêu hóa sử dụng thức ăn cao, tăng trọng nhanh, tích lũy thịt khá. Bên cạnh đó có thể chọn những con trâu, bò trưởng thành, khỏe mạnh, không mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về tiêu hóa và mãn tính.
Thứ hai; Trâu, bò bị tác động bởi Stress môi trường chăn nuôi, nhiệt độ càng cao, càng nóng ẩm thì quá trình thải nhiệt cơ thể càng khó khăn, dẫn đến ảnh hưởng đến quá trình thu nhận thức ăn, làm năng suất giảm, người chăn nuôi cần có biện pháp chống nóng, nắng phù hợp để trâu, bò có được môi trường sống thoáng mát, nhiệt độ thích hợp nhất, giúp sinh trưởng phát triển nhanh hơn.
Thứ ba; Người chăn nuôi không áp dụng biện pháp tiêm phòng, tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo. Trâu, bò ở mọi lứa tuổi thường hay mắc ký sinh trùng nhất là sán lá gan, sán lá dạ cỏ, giun tròn dạ múi khế và ruột non. Tỉ lệ mắc các loại ký sinh trùng có khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi, trạng thái cơ thể và loại ký sinh trùng gây bệnh. Biểu hiện chung thường thấy là thiếu máu, niêm mạc mắt, miệng, âm hộ nhợt nhạt, gầy yếu, suy nhược, giảm ăn, có thể tiêu chảy hoặc không, nếu trâu, bò nhiễm sán lá gan còn thêm biểu hiện xù lông, dễ nhổ, dễ rụng, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe, giảm đề kháng, giảm tăng trọng nhất là bò tơ và bò thịt, từ đó còn có nguy cơ mắc thêm các bệnh truyền nhiễm khác.
Thứ tư: Không dùng đá liếm và khoáng vi lượng cho trâu bò, nhất là trong điều kiện nuôi tập trung, thâm canh cao dẫn đến trâu, bò bị thiếu khoáng chất. Sự thiếu hay thừa khoáng chất đều gây rối loạn trao đổi chất ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, năng suất, chất lượng của trâu, bò. Tùy theo loại khoáng thiếu hụt mà trâu, bò có những biểu hiện khác nhau, tuy nhiên trong quá trình chăn nuôi và vỗ béo phải thường xuyên bổ sung đá liếm hoặc bột xương cho trâu, đặc biệt là theo phương pháp nhốt chuồng.
Thứ năm: Khi vỗ béo trâu, bò thịt thường sử dụng con đực, có sức tăng trưởng nhanh hơn bò cái, nhưng sai lầm là thường nhốt chung kết hợp hoặc nhốt gần trâu, bò cái đều ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vỗ béo vì khi nhốt gần nhau chúng bị kích thích sinh dục, nhất là trâu, bò đực dẫn đến tiêu hao nhiều năng lượng, giảm tốc độ vỗ béo, cho nên cần nhốt riêng tách biệt trâu, bò đực với cái để không ảnh hưởng đến sự phát triển. Chỉ nuôi sinh sản, mới nhốt trâu, bò đực và cái gần nhau.
Thứ sáu: Trong quá trình nuôi vỗ béo để trâu, bò vận động quá nhiều, do áp dụng phương thức nuôi chăn thả kết hợp với bổ sung thức ăn tại chuồng. Cách vỗ béo này giảm được chi phí công cắt cỏ nhưng chỉ áp dụng cho những nơi có diện tích đồng cỏ lớn, năng suất sản lượng cỏ khá, chăn thả 8-10 giờ/ngày mới đủ thời gian cho trâu, bò kiếm nạp từ 20-30kg cỏ/ngày từ bãi chăn, sau khi về chuồng chỉ cần bổ sung thêm một ít thức ăn tinh và muối ăn, chính vì do trâu, bò phải di chuyển, vận động đi lại nhiều, tiêu hao nhiều năng lượng, bò sẽ tăng trưởng chậm. Nên phương pháp vỗ béo trâu, bò tốt nhất là nuôi nhốt chuồng hoàn toàn. Tuy nhiên nuôi theo cách này chú ý khi cung cấp thức ăn thô xanh cũng cần chú ý đến từng loại cỏ, nơi lấy cỏ, khi cắt cỏ không cắt phần chìm trong nước, nếu cắt cỏ ở vùng trũng, ngập nước thì phải rửa sạch vì đây là nguyên nhân lây nhiễm các bệnh sán ký sinh trùng làm cho bò chậm lớn. Do vậy cần kiểm soát tốt nguồn thức ăn, nước uống; chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, định kỳ tẩy ký sinh trùng để giúp bò nâng cao thể trọng, tăng sức đề kháng và giảm thiểu được nguy cơ nhiễm sán lá gan và các bệnh ký sinh trùng khác.
Thứ bảy: Đối với những con bò có thể trạng quá gầy, ăn kém, có nhiều triệu chứng bất thường mà sau khi đã loại trừ nguyên nhân do ký sinh trùng thì phải thăm khám, kiểm tra bò có bị mắc các bệnh truyền nhiễm mãn tính hay không. Nếu mắc một số bệnh truyền nhiễm cần điều trị khỏi hẳn mới áp dụng biện pháp vỗ béo. Đặc biệt để an toàn đàn bò cần tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin nhằm phòng tránh rủi ro không đáng có khi thực hiện vỗ béo trâu, bò, nhất là bệnh thường gặp như lở mồm long móng, tụ huyết trùng,…
Như vậy, để vỗ béo trâu, bò thịt đạt được tăng trọng và hiệu quả kinh tế như mong đợi cần phải nắm vững và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ khâu lựa chọn trâu, bò đưa vào vỗ béo, thức ăn, phương thức nuôi dưỡng chăm sóc đến khâu phòng trị bệnh mới đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt trong quá trình vỗ béo thấy trâu, bò tăng trọng chậm thì phải xem xét, rà soát lại quy trình áp dụng nuôi để loại bỏ những nguyên nhân chủ quan và khách quan gây tác hại, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vỗ béo. Có như vậy mới đảm bảo được điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc tốt nhất cho trâu, bò phát triển, tăng trọng đạt mục tiêu đề ra và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất./.

 
Chị Lang Thi Sen xóm 4 xã Nghĩa Đức huyện Nghĩa Đàn dang chăm sóc bò.
Cao Tuấn - Trung tâm KN - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
IMG-8363-3.jpg IMG-2168.jpg z5175174958158-bb2526c428da909419d8a2caefc39251-1-7.jpg Ong-Nguyen-Cuong-kiem-tra-tom-trong-be-cong-nghe-cao-theo-qu IMG-0392-9.jpg 20240106-101045-4.jpg a2-3.jpg z5006794703446-4905d71d69db129c098d64ed093a43e8.jpg IMG-4626.jpg rrrr.jpg ga.jpg Vuon-cam-duoc-cham-soc-theo-quy-trinh-huu-co-nen-kha-sach-be z4984936786801-2d432b8802aaa72bce7a1cbefd82e73a.jpg IMG-1378.jpg Mo-hinh-cham-soc-bao-ve-theo-quy-trinh-huu-co-cua-ong-Bui-Va
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây