Chị Nguyễn Thị Long là một cựu cán bộ tham gia hoạt động phong trào xóm Nam Vực liên tục trong 25 năm. Suốt 25 năm chị hoạt động từ hội phụ nữ, hội nông dân, sang làm khối trưởng và cuối cùng chị là một bí thư chi bộ xóm liên tục trong gần 10 năm. Đến năm 2018 sau khi nghỉ làm bí thư chi bộ xóm với quyết tâm không cho đất nghỉ, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, gia đình chị quyết định nhận thầu hơn 5.000 m2 đất của địa phương làm kinh tế trang trại nông hộ. Trang trại của gia đình chị được quy hoạch khoa học với vườn thanh long, vườn ổi, khu nhà trồng nấm, ao cá và hệ thống chuồng trại…
Buổi đầu xây dựng trang trại, do ít am hiểu về VAC nên trang trại của gia đình chị Long cũng gặp nhiều khó khăn. Diện tích đất gia đình chị đấu thầu là đất trũng khó canh tác nên mất nhiều công sức tiền vốn để đầu tư cải tạo. Tuy nhiên, với bản chất cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên chị Long đã dần xây dựng thành một trang trại quy mô hoàn chỉnh. Bên trên vườn, chị từng bước kết hợp với chăn nuôi lợn thịt, vịt đẻ, trồng cây lâu năm xen kẽ các cây ngắn ngày, bên dưới ao thả các loại cá mè, trôi, trắm, chép...
Dẫn chúng tôi đi thăm ao cá rộng gần 1.000m², bên trên trồng gần 30 gốc thanh long, ổi…, đặc biệt khi tìm hiểu, gia đình chị Long cũng đã thành công với mô hình trồng nấm. Hiện tại, với hơn 5.000 bịch nấm mỗi tháng cho gia đình thu được gần 3 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm, chị Long cho biết: “Cùng với các biện pháp kỹ thuật trong trồng nấm thông thường, để nấm cho năng suất, chất lượng cao cần thực hiện thuần thục các biện pháp kỹ thuật như: tưới nước hàng ngày, kiểm tra chất lượng nấm để đạt năng suất cao nhất …”
Trong chăn nuôi, để tận dụng mặt nước, bờ ao, góc vườn, gia đình chị cũng luôn duy trì hàng trăm con vịt đẻ và 3 con lợn nái, luôn luôn đủ lợn giống để nuôi lợn thịt quanh năm, ngoài ra còn có gà đẻ, trâu, bò… nhằm tận dụng chất thải để làm phân bón cho các loại cây trồng… Hàng năm, sau khi trừ chi phí các loại, thu nhập từ trang trại VAC của gia đình chị Long luôn ở mức 120- 150 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm làm trang trại trong suốt 3 năm qua chị Long nói: Để trang trại thực sự hiệu quả thì mọi chuyện đều phải dựa vào nổ lực của bản thân và gia đình. Anh chị luôn luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, báo đài… để áp dụng vào cho gia đình mình. Trong 2 năm qua về chăn nuôi rất vất vả, dịch bệnh xẩy ra liên tục nhất là đối với lợn và trâu bò. Nhưng với việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cũng như việc phòng dịch nên trong 2 năm qua đối với chăn nuôi lợn gà và trâu bò gia đình chị vẫn có nguồn thu nhập đáng kể. Chị tâm sự: Trong quá trình nuôi ngoài kỹ thuật về chăm sóc thì vấn đề định kỳ phòng bệnh chị luôn tuân thủ. Xung quanh chuồng trại chị đều khử trùng định kỳ 15 ngày/ lần bằng vôi bột. Ngoài ra cứ 15 đến 20 ngày gia đình chị lại phun khử trùng ruồi muỗi xung quanh chuồng trại. Trong thời gian dịch bệnh xẩy ra anh chị không cho người ngoài vào khu vực chăn nuôi. Mỗi lần vào chuồng trại anh chị đều đi ủng, mặc áo bảo hộ để phòng bệnh một cách tốt nhất.
Phát triển kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương là điều rất quan trọng và thiết thực. Mô hình VAC của chị Nguyễn Thị Long ở Xóm Nam Vực - xã Đô Thành tuy không phải là mô hình quy mô lớn song cũng là rất hiệu quả trong điều kiện đất đai ở xã Đô Thành tạo công ăn việc làm cho các lao động trong gia đình với một nguồn thu nhập khá cao và ổn định. Mô hình VAC của gia đình chị Long xứng đáng để nhiều nông dân trong huyện học hỏi và làm theo nhằm cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu.
Trang trại hộ chị Nguyễn Thị Long- Xóm Nam Vực - Đô Thành
Lệ Hằng : Trung tâm Khuyến nông