Chủ động phòng chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò
Thứ hai - 07/06/2021 22:318560
Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra, làm cho trâu bò bị tổn thương da, giảm sinh trưởng phát triển, giảm năng suất sữa, khả năng sinh sản dẫn đến giảm hiệu quả về kinh tế hoặc làm trâu bò có thể chết. Vi rút này không lây nhiễm và gây bệnh trên người.
Nghệ An có tổng đàn trâu, bò hiện có 754.220 con; trong đó, đàn trâu 268.320con; đàn bò 485.900 con (bò sữa 64.086 con). Với nhiều chủ trương chính sách của tỉnh trong những năm qua, chăn nuôi trâu, bò đã từng bước chuyển dịch theo hình thức trang trại, gia trại tập trung, thông qua việc nhập khẩu các giống ngoại có năng suất, chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và tỉ trọng giá trị sản phẩm đối với chăn nuôi. Ngoài những yếu tố thuận lợi cho phát triển chăn nuôi trâu, bò sẵn có thì khó khăn nhất của người chăn nuôi luôn phải đối mặt đó là công tác phòng, trị các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt hiện nay bệnh VDNC trên trâu, bò đang xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Nghệ An. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y nghệ An, lũy kế số ổ dịch viêm da nổi cục từ đầu năm đến nay là 323 ổ (5.756 hộ/1.249 xóm/323 xã) tại 20 huyện, thành, thị; đã có 230 ổ dịch công bố hết dịch chiếm tỷ lệ 71,2%. Tổng số gia súc mắc bệnh 7.296 con trâu, bò; số gia súc chết là 1.559 con, chiếm tỷ lệ 21,37% tổng số gia súc mắc bệnh, trong đó tỷ lệ chết cao ở bê non và bò lai. Hiện nay, tình hình dịch viêm da nổi cục đã và đang giảm, chỉ còn 93 ổ dịch chưa qua 21 ngày thuộc 15 huyện, thành, thị (chiếm tỷ lệ 28,8% tổng số ổ dịch). Bệnh VDNC có thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày, tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%. Lây bệnh chủ yếu thông qua côn trùng hút máu như muỗi, ruồi, ve, mòng, ..; hoặc dùng chung máng ăn, uống, vận chuyển cùng trâu bò mang mầm bệnh, tiếp xúc trực tiếp, tinh dịch,... Bệnh thường xẩy ra nhiều nhất vào những tháng có thời tiết ấm, phù hợp cho côn trùng phát triển, đây là đối tượng làm lây lan rất nhanh, rất xa và rộng. Triệu chứng, bệnh tích điển hình thường thấy ở trâu, bò mắc bệnh đó là: Sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, cơ thể suy nhược và gầy yếu; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt sau 48 giờ có phản ứng sốt thì ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục, .. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử, sau đó xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo lâu dài. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy miệng và đường tiêu hóa, khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật đi lại khó khăn, không muốn di chuyển. Bò chửa có thể sảy thai, bò đực có thể bị vô sinh. Đứng trước thực tế bệnh VDNC trên trâu, bò diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan nhanh. UBND tỉnh đã ban hành 01 Chỉ thị, 03 Công điện khẩn và 03 Công văn chỉ đạo triển khai cấp bách, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh VDNC trên trâu, bò. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1001/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 về Kế hoạch Ứng phó khẩn cấp với bệnh VDNC trâu, bò trên địa bàn tỉnh Nghệ An để UBND các huyện, thành phố, thị xã, Sở Nông nghiệp và PTNT, lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Cơ quan ban ngành liên quan có căn cứ để chủ động triển khai cụ thể, chi tiết các giải pháp phòng chống dịch bệnh VDNC hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Tá Long Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Bệnh VDNC là bệnh mới, khi thấy hiện tượng nổi những u cục trên da cơ thể trâu, bò, người chăn nuôi rất lo lắng không biết bệnh gì và xử lý như thế nào. Nhưng sau khi được các cơ quan chuyên môn, cán bộ thú y giải thích và hướng dẫn các biện pháp phòng chống thì người dân mới hết băn khoăn và thực hiện nghiêm túc quy trình phòng chống dịch bệnh VDNC trên trâu bò nên từng bước dịch bệnh được đẩy lùi. Theo ông Đặng Văn Minh Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, nguyên nhân xảy ra dịch là do Nghệ An có đàn trâu bò lớn, chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ theo phương thức bán chăn thả hoặc thả rông tự do, giai đoạn đầu khi xẩy ra dịch VDNC chưa có vác xin để tiêm phòng, là tỉnh có nhiều chợ buôn bán trâu bò, lưu lượng vận chuyển, giết mổ trâu bò hàng ngày nhiều. Trong khi đó đường lây truyền bệnh VDNC do các véc tơ trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu... lây truyền từ những con gia súc bị bệnh sang gia súc khỏe trong quá trình vận chuyển,chăn nuôi khó kiểm soát. Mặt khác, công tác tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi chưa được thường xuyên, đặc biệt việc sử dụng hóa chất đặc hiệu để tiêu diệt côn trùng truyền bệnh VDNC còn hạn chế; thời tiết khi hậu nóng ẩm sẽ là điều kiện thuận lợi để cho các loài côn trùng hút máu phát triển, phát tán lây lan nguồn bệnh. Khi dịch VDNC trên trâu, bò xẩy ra, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ thực hiện các giải pháp phòng chống dịch nên dịch bệnh VDNC trâu, bò trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm và cơ bản được khống chế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã tiêm phòng được 232.440 liều vắc xin viêm da nổi cục cho trâu bò, chiếm 30,82% tổng đàn, sau khi tiêm phòng hơn 21 ngày, trâu bò đã có miễn dịch chủ động nên hạn chế được dịch VDNC lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, nguy cơ dịch VDNC trên trâu, bò tiếp tục xẩy ra vẫn cao tại các huyện có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin còn thấp do những con bê mới sinh, trâu bò mới mua về, trâu bò mang thai giai đoạn đầu và cuối kỳ chưa được tiêm phòng. Đặc biệt tại các huyện vùng núi cao, tập quán chăn thả rông trâu bò trong rừng, không được chăm sóc, quản lý, khó khăn trong công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong. Điều đáng lưu ý là bệnh VDNC hiện naychưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phòng bệnh chính, nên ngoài việc tuân thủ nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thì người chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học. Cụ thể: Kiểm soát ngay từ khâu mua, tiếp nhận trâu, bò giống về nuôi, phải rõ nguồn gốc, khỏe mạnh đã được kiểm dịch của cơ quan thú y; Tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất để tạo sức đề kháng chủ động cho trâu bò; Thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển bằng các hóa chất thông dụng như Hantox, Deltox,ether 20%, phenol 2%, hợp chất iodine, Virkon 2% hoặc một số loại hợp chất khác; Thực hiện phun thuốc diệt ruồi, muỗi, ve, mòng và các loài côn trùng hút máu,… nhất là các hộ chăn nuôi có trâu, bò có biểu hiện bệnh hoặc nghi bị bệnh. Định kỳ tẩy các loại ký sinh trùng, tiêm đầy đủ các loại vác xin phòng bệnh truyền nhiễm thường xảy ra như Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng trâu, bò, đặc biệt chủ động tiêm vắc xin VDNC cho trâu bò, đây là giải pháp căn cư nhất trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Đồng thời, quản lý, theo dõi chặt chẽ đàn trâu, bò. Nếu phát hiện trâu, bò nghi ngờ hoặc mắc bệnh cần cách li ngay, không vận chuyển, bán chạy hay giết thịt, không dấu dịch và phải khai báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y để thực hiện các biện pháp phòng chống theo quy định. Bệnh VDNC trên trâu , bò không lây cho người, nhưng khá nguy hiểm vì khả năng lây lan bệnh nhanh, gây hại sức khỏe cho trâu, bò và thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Để làm tốt công tác phòng, chống bệnh VDNC cần có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người chăn nuôi thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh một cách chủ động, kịp thời, hiệu quả, nhất là không được chủ quan, chấp hành nghiêm pháp luật về chăn nuôi thú y, đồng thời tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi trâu, bò an toàn sinh học nhằm góp phần giảm thiểu dịch bệnh lây lan, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi./. Bò bị bệnh VDNC tại hộ bà Nguyễn Thị Vinh xã Nghi Liên Thành phố Vinh