Nghệ An: Điểm nhấn từ chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ
Thứ năm - 01/07/2021 23:061.3910
Nghệ An là tỉnh có ngành chăn nuôi khá phát triển, thuộc tốp đầu cả nước với tổng đàn trâu, bò ước đạt 766.000 con; trong đó, đàn trâu 268.000 con; đàn bò 498.000 con (bò sữa, bê sữa 65.000 con; bò, bê lai khoảng 330.000 con chiếm 66,26% tổng đàn bò); đàn lợn ước đạt 1.000 ngìn con (trên 800 lợn đực ngoại, 30.000 nái ngoại); gia cầm ước đạt 27.000 ngìn con; dê, cừu ước đạt 242.000 con, …
Với nhiều chủ trương chính sách của tỉnh trong những năm qua, đặc biệt là UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐNDngày 20/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó chính sách về hỗ trợ phát triển chăn nuôi rất được quan tâm chú trọng như: Chăn nuôi lợn ngoại; Tạo giống bò, cải tiến giống trâu; Trợ giá giống gốc lợn giống móng cái, lợn nái ngoại giống ông bà, giống bò vàng, bò Hmông; giống vịt Bầu quỳ, gà đen, lợn đen; Hỗ trợ tiêm phòng gia súc miền núi, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung,..vv. Từ việc thực hiện tốt và có hiệu quả chính sách đã góp phần duy trì được số lượng tổng đàn và tăng trưởng sản lượng sản phẩm hàng năm, đưa tỉ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 47,94% trong nông nghiệp. Đứng trước thực trạng chăn nuôi cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng hiện nay vẫn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm 70-80% tổng đàn gia súc, gia cầm. Hình thức nuôi này tuy có nhiều bất cập, khó khăn trong việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, áp dụng chăn nuôi công nghệ cao, nhất là công tác quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi; nhưng lại hoàn toản phù hợp với điều kiện sản xuất, canh tác truyền thống, kinh nghiệm và luôn đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Ngày 04/9/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 nhằm góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân một cách bền vững. Để triển khai thực hiện Quyết định này một cách phù hợp, hiệu quả, không trùng lặp với các chính sách của tỉnh đã ban hành; Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 06/5/2019 Quy định về một số nội dung hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020 theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ với 02 nội dung hỗ trợ. Kết quả thực hiện đó là: - Hỗ trợ phối giống nhân tạo lợn: Với mức hỗ trợ 100% kinh phí liều tinh, không quá 02 liều tinh cho 01 lần phối giống và không quá 05 liều tinh cho 01 lợnnái/năm đối với các hộ chăn nuôi từ 10 nái trở xuống. Từ năm 2017-2020 đã hỗ trợ được 118.311 liều tinh phối giống cho 53.206 con lợn nái, tổng số hộ được hưởng hỗ trợ 24.207 hộ, với tổng kinh phí trên 4,7 tỷ đồng. - Hỗ trợ mua giống gà hậu bị: Các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 01 lần 50% giá trị gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Mức hỗ trợ bình quân đối với gà, vịt giống không quá 50.000 đồng/01 con; Mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị. Sau 2 năm (2019-2020), tổng số gà giống được hỗ trợ 62.450 con, số hộ được hưởng hỗ trợ 695 hộ, với tổng kinh phí gần 2,8 tỷ đồng. Thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 tại tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như: Thông tư 205/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg ban hành còn chậm; Phương thức hỗ trợ là sau đầu tư và người dân phải đối ứng 50% mua con giống nên khó khăn trong việc thực hiện nhất là các hộ chăn nuôi thuộc các huyện miền núi cao; Trong tỉnh chưa có cơ sở sản xuất giống gia cầm đủ điều kiện, đáp ứng đầy đủ tiêu chí mà phải đặt mua và lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống từ các tỉnh khác; Thủ tục thanh quyết toán, hồ sơ hỗ trợ còn phức tạp; Nguồn tài chính hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg phụ thuộc vào ngân sách tỉnh, chưa có hỗ trợ đối ứng từ nguồn Trung ương, .. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, từ kết quả đạt được ở trên cho thấy điểm nhấn của chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg tại tỉnh Nghệ An đó là đã tác động tích cực đến hàng ngàn hộ chăn nuôi thông qua việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn lợn bằng việc hỗ trợ liều tinh phục vụ thụ tinh nhân tạo để cải tạo chất lượng đàn lợn giống, phát huy ưu thế lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thịt, giảm chi phí phối giống, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, giao phối cận huyết. Bên cạnh đó việc hỗ trợ mua giống gà, vịt hậu bị năng suất, chất lượng cao cũng góp phần cải tạo, nâng cao chất lượng con giống, giảm tỉ lệ hao hụt, tăng tỉ lệ ấp nở, nuôi sống, tăng khả năng sinh trưởng, phát triển và sức đề kháng cho gà, vịt. Đồng thời, chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ còn tạo thêm được việc làm, tăng thu nhập, tận dụng được lao động nhàn rỗi trong nông hộ để đầu tư, phát triển tăng đàn vật nuôi để từng bước chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa, từ chú trọng năng suất sang chú trọng chất lượng và giá trị; đồng thời áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, quản lý tốt an toàn dịch bệnh , góp phần tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng, năng suất cao, ATTP, tăng thu nhập, ổn định sinh kế bền vững cho người dân. Để tiếp tục hỗ trợ nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng chăn nuôi nông hộ, góp phần triển khai Luật Chăn nuôi, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, thiết nghĩ rằng Nhà nước cần tiếp tục có chính sách để tạo nguồn lực cho phát triển chăn nuôi, trước mắt là kế thừa những nội dung đã thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả tại Quyết định 50/2014/QĐ-TTg, tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả nông hộ giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhằm thúc đẩy chăn nuôi nông hộ phát triển, góp phần đưa ngành chăn nuôi tăng trưởng, ổn định thu nhập và sinh kế lâu dài cho người dân./. Đàn gà của ông Nguyễn Cảnh Tân xã Quỳnh Tân huyện Quỳnh Lưu Nuôi lợn nái sinh sản tại hộ anh Nguyễn Văn Sơn xóm 4 xã Diễn Liên huyện Diễn Châu Cao Tuấn Trung tâm KN - nguồn TSKN