Thứ ba, 24/12/2024, 20:58

Một số giải pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi trong mùa Hè

Chủ nhật - 13/06/2021 22:56 1.822 0
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời tiết nắng nóng đã bắt đầu xuất hiện. Một số địa phương có nắng nóng cục bộ, nhiệt độ tăng cao và gây cảm giác oi bức.
Một số giải pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi trong mùa Hè
Đây là một trong những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức sản xuất của vật nuôi. Để hạn chế những tác động bất lợi do nắng nóng gây ra đối với đàn vật nuôi trong mùa Hè người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:
1. Về Chuồng trại:
- Cần đảm bảo có độ thông thoáng và đối lưu không khí tốt (đối với các chuồng hở, thông thoáng tự nhiên). Với chuồng trại cũ, thấp cần tiến hành cơi nới để tăng chiều cao chuồng nuôi trước mùa nắng nóng. Những hộ chăn nuôi có điều kiện tổ chức chăn nuôi bằng hệ thống chuồng kín sẽ đảm bảo được tiểu khí hậu chuồng nuôi cho từng loại vật nuôi ở các giai đoạn, hạn chế dịch bệnh xảy ra và tăng năng suất trong chăn nuôi đặc biệt là trong chăn nuôi gà.
- Những lúc thời  tiết nắng nóng cục bộ, bất thường, kéo dài, nhiệt độ lên cao cần tiến hành một số giải pháp bổ sung để đảm bảo nhiệt độ cho tiểu khí hậu chuồng nuôi như: Trồng cây dây leo hoặc lưới chống nắng che phủ mái chuồng nuôi. Đây là giải pháp tự nhiên, thân thiện với môi trường và có hiệu quả giảm nhiệt đáng kể cho mái và chuồng nuôi. Sử dụng lưới đen che nắng cho mái lợp bằng tôn hoặc fibro xi-măng bằng cách làm khung giàn, sau đó gắn lưới che lên khung giàn, khoảng cách từ mái chuồng nuôi đến lưới che trong khoảng từ 80 -150 cm.
-  Lắp thêm hệ thống phun nước làm mát mái và làm mát trong chuồng nuôi dạng phun sương. Cách này sẽ giúp giảm nhiệt tức thì cho mái, chuồng nuôi nhưng chi phí đầu tư cao,  tốn điện, nước đồng thời có thể gây hư hại mái chuồng, thiết bị chăn nuôi và thường tạo ra độ ẩm lớn trong chuồng nuôi nếu không có quạt đẩy đi kèm.
2. Về nuôi dưỡng, chăm sóc
- Đối với lợn:Giảm mật độ nuôi nhốt đối với lợn nái 3 – 4 m2/con, lợn thịt là 2 m2/con. Cho lợn ăn khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo đủ nước uốngsạch và mát, bổ sung Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải… để lợn giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng. Tắm mát cho lợn 1- 2 lần/ngày. Đối với lợn con theo mẹ thì cần giữ chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, tuyệt đối không làm ướt nền chuồng. Đối với chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học cần lắp thêm hệ thống phun sương, quạt để tạo ẩm và làm mát cho đàn lợn những lúc nắng nóng.

- Đối với trâu, bò, dê:Mật độ nuôi nhốt đối với trâu bò thịt: 5 - 6 m2/con, dê 1,8 - 2 m2/con. Nếu chăn thả cần tiến hành vào sáng sớm hoặc chiều muộn: Buổi sáng cho trâu bò, dê đi chăn thả sớm; buổi chiều chăn thả muộn để tránh những lúc nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao dễ mắc say nắng và cảm nóng. Buổi trưa nên cho trâu bò nghỉ ngơi ở những nơi có cây xanh bóng mát. Cho trâu bò uống đủ nước sạch, mát, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 30 - 35 kg thức ăn thô xanh, 0,5 - 1 kg thức ăn tinh, 20 - 30 gam muối ăn để đảm bảo sức khoẻ cho con vật. Nên tắm chải cho trâu bò 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể.
- Đối với gia cầm:Cần giảm mật độ tối đa, không nhốt quá nhiều trong cùng ô chuồng như: Đối với gà con úm 50 - 60 con/m2; đối với gà 0,5 - 1 kg: nhốt 8 - 12 con/m2; đối với gà 2 - 3 kg: nhốt 3 - 5 con/m2. Hàng ngày, cho gà ăn sớm, tránh cho ăn vào thời điểm nhiệt độ chuồng nuôi lên cao, nóng bức, ăn xong treo máng ăn lên cho thoáng chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ chuồng nuôi. Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi quá béo và bổ sung thêm rau xanh vào khẩu phần. Cho gà uống đầy đủ nước sạch, mát và bổ sung thêm Gluco KC, chất điện giải… Khi thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh khu chuồng nơi có bóng mát.
3. Công tác vệ sinh thú y phòng bệnh:
Vào mùa nắng nóng, khi sức đề kháng giảm vật nuôi cũng sẽ dễ mắc một số bệnh như: tiêu chảy, E.coli, phó thương hàn, ký sinh trùng đường máu… và gần đây là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang tái bùng phát, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện tại một số địa phương. Vì vậy, người chăn nuôi cần nghiêm túc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và môi trường xung quanh theo khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành và địa phương.
- Thực hiện quét dọn, thu gom chất thải chăn nuôi hàng ngày và có biện pháp xử lý phù hợp như: Sử dụng hầm Biogas; Ủ phân hữu cơ vi sinh bằng các chế phẩm sinh học…. Đối với chuồng nuôi xảy ra dịch bệnh thì toàn bộ rác thải; chất độn chuồng cần tiêu hủy bằng cách đốt. Vệ sinh cơ học toàn bộ chuồng nuôi và khuôn viên trại; phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi, khuôn viên trại, khu vực nhà ở cho công nhân,…bằng các thuốc sát trùng như: Benkocid, Omnicide, Han Iodine, Virkon, Povi dine theo hướng dẫn của Nhà sản xuất. Rải vôi bột hoặc phun dung dịch vôi 1% lên toàn bộ bề mặt chuồng trại như nền chuồng, lối đi, hành lang, cổng trại, đường vào trại…đảm bảo bề mặt phải được phủ trắng vôi. Tất cả các dụng cụ chăn nuôi, quần áo bảo hộ sử dụng 1 lần nên tiêu hủy bằng cách đốt. Đối với một số dụng cụ chăn nuôi như ủng, lồng úm,máng ăn, máng uống, dụng cụ vệ sinh, thu gom chất thải…phải cọ rửa sạch và phun thuốc sát trùng ít nhất 2 lần. Đối với các thiết bị dụng cụ bằng điện có thể xông hơi bằng formol và thuốc tím.
- Sử dụng vắc xin phòng bệnh theo quy trình cho đàn gia súc, gia cầm như: Phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng (đối với đàn lợn); Lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng trâu bò; THT, LMLM, đậu dê; Newcastle, tụ huyết trùng, Gumboro, đậu (đối với đàn gà);
- Những ngày nắng nóng cần tăng cường hơn việc kiểm tra theo dõi đàn gia súc gia cầm. Trường hợp thấy gia súc, gia cầm có những biểu hiện không bình thường như: Gia súc có biểu hiện choáng váng, đi không vững, thở khó, kiểm tra niêm mạc mắt tím bầm; gia cầm có biểu hiện mệt lả, khát nước, bỏ ăn, há mồm thở dốc, nhịp thở tăng, sả cánh… cần nhanh chóng kiểm tra và xử lý kịp thời nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra bằng các biện pháp như: tạo thông thoáng chuồng nuôi; đưa con vật vào nghỉ nơi thoáng mát; cung cấp đủ nước mát, sạch; bổ sung các chất điện giải; trợ sức trợ lực cho con vật.
Trong thời gian tới, dự báo thời tiết nắng nóng còn tiếp tục xảy ra. Chính vì vậy, các hộ chăn nuôi cần có kế hoạch, chủ động bố trí các giải pháp chống nóng phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế, nhằm giúp cho việc chăn nuôi được thuận lợi, đảm bảo được sức sản xuấtcũng như  khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi một cách tốt nhất./.
Văn Thắng - Trung tâm KN - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh6-2.jpg hh2.jpg hh7-1.jpg hh3-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg mo-hinh-luon-4.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây