Giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua nuôi trồng thủy sản

Thứ hai - 07/06/2021 22:34 1.332 0
Nuôi trồng thuỷ sản vẫn được xem như là một trong những lĩnh vực sản xuất có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của nhiều quốc gia và cung cấp một lượng lớn nhu cầu thực phẩm thuỷ sản cho con người. Nhưng ít ai biết rằng, nuôi trồng thuỷ sản còn đóng góp tích cực vào việc làm giảm lượng carbon trong khí quyển, góp phần làm giảm biến đổi khí hậu.
Giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua nuôi trồng thủy sản
    Với các đặc điểm cấu tạo cơ thể đặc biệt nên các loài cá có nhiều ưu thế tự nhiên tích cực đối với việc giảm nhẹ các hiện tượng của biến đổi khí hậu như làm giảm lượng phát thải carbon trong khí quyển và giảm sự nóng lên của Trái đất. Do trọng lượng riêng của cá gần bằng 1 và chúng có khả năng nổi trong nước nên cá cần ít năng lượng hơn để duy trì trọng lượng cơ thể so với các loài động vật khác. Đồng thời cũng do cá nổi được trong nước nên khác với các động vật trên cạn, nó không cần nhiều năng lượng để di chuyển và giữ vị trí trong nước.
       Hầu hết các loài cá là các loài động vật có xương sống máu lạnh hoặc là các loài động vật máu lạnh nên trong khoảng nhiệt độ và điều kiện bình thường, nhiệt độ cơ thể cá không có sự thay đổi. Bởi vậy, bản thân con cá sẽ không làm tăng nhiệt độ của môi trường xung quanh như các loài động vật trên cạn khác. Như vậy, trong một chừng mực nào đó, sự tồn tại của các loài sinh vật thủy sinh này không đóng góp vào sự nóng lên của trái đất. Cá là loài động vật ở nước bài tiết chất thải nitơ ở dạng amoniac nên chúng cần ít năng lượng hơn để thực hiện việc trao đổi chất so với các loài động vật có vú bài tiết nitơ ở dạng urê hoặc động vật bài tiết nitơ ở dạng acid uric trong nước tiểu. Có thể giải thích điều này như sau: do protein không phải là loại năng lượng có thể được hấp thu triệt để, mà phần không được hấp thu sẽ bị bài tiết ra khỏi cơ thể, nên phần lớn các động vật có vú thường thải urê thông qua các quá trình bài tiết, còn chim, bò sát thì lại bài tiết ra acid uric, chỉ có các loài cá là bài tiết nitơ ở dạng ammoniac nên chúng ít tiêu tốn năng lượng hơn.
      Các loài cá nước ngọt thường có hệ số thức ăn thấp so với các loài động vật khác. Điều này có thể được chứng minh qua các con số về khối lượng thức ăn (ngũ cốc) cần thiết để sản xuất ra 1 kg thực phẩm các loại như sau: để sản xuất 1 kg thịt gia cầm cần khoảng 2 kg ngũ cốc, 1 kg thịt heo cần 3,5 kg ngũ cốc, 1 kg thịt bò cần đến 5,5 kg ngũ cốc, nhưng để sản xuất 1 kg cá thì chỉ cần 1,2 kg ngũ cốc. Như vậy, việc tiêu thụ ít ngũ cốc hơn của cá đã tiết kiệm được tài nguyên, giảm lượng chất thải và giảm các tác động lên môi trường. Ngoài ra, cá có khả năng sinh sản cao như đẻ nhiều trứng hơn, số lần đẻ nhiều hơn so với các loài động vật trên cạn. 
       Tất cả các đặc điểm trên đã làm cho cá trở thành một loài động vật có ảnh hưởng tích cực lên biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc làm giảm sự nóng lên của trái đất.
        Mọi người đều nghĩ rằng rừng chính là “chiếc bể chứa khổng lồ” giúp hấp thu carbon trên Trái đất. Việc cây xanh có khả năng tiêu thụ carbon đã được nghiên cứu nhiều và được phổ biến rộng rãi. Chính vì vậy, nhiều nỗ lực quốc tế và quốc gia đã được thực hiện nhằm tận dụng ưu thế này của nguồn lợi rừng để cắt giảm lượng carbon toàn cầu như việc xây dựng và thực hiện Nghị định thư Kyoto, các sáng kiến giảm phát thải lượng khí nhà kính hay mua bán quyền phát thải…
        Tuy nhiên, một “chiếc bể” hấp thụ carbon quan trọng và rộng lớn khác ít được biết đến chính là đại dương bao la. Đây chính là một nguồn tiềm năng khổng lồ có khả năng làm giảm lượng carbon trên trái đất với nhiều đặc điểm đặc biệt. Nhưng, nếu chỉ đơn thuần là carbon từ không khí hòa tan vào trong nước biển thì cuối cùng, bằng cách này hay cách khác lượng carbon này sẽ lại quay trở lại bầu khí quyển và đây cũng chính là lý do mà nhiều nhà khoa học đã lo ngại về vấn đề acid hoá đại dương khi carbon được hoà tan trong nước biển và làm thay đổi các hệ sinh thái của biển. Vấn đề là làm thế nào để có thể loại bỏ vĩnh viễn lượng carbon đã hòa tan trong nước đại dương. Một trong những giải pháp khả thi là phát triển nuôi trồng thủy, hải sản.
       Có thể thấy, bản thân đại dương cũng đã chứa các loài thực vật phù du (mà phần lớn là các loài tảo đơn bào) có khả năng tiêu thụ CO2 thông qua quá trình trao đổi chất. Với diện tích đại dương chiếm hơn 4/5 diện tích trái đất, hàng năm, lượng thực vật phù du này có thể hấp thu khoảng trên 50 tỷ tấn carbon thông qua việc hấp thụ khí CO2 trong không khí để phát triển. Tuy nhiên, để tăng cường khả năng hấp thụ carbon của đại dương, bên cạnh tảo phù du, cần phát triển nuôi trồng các đối tượng  thủy sản hợp lý cả ở biển và các thủy vực nước ngọt, như các đối tượng nhuyễn thể vỏ cứng hay là các loài giáp xác. Đây là những loài thủy hải sản có khả năng hấp thụ carbon để tạo vỏ và xương thông qua việc hình thành CaCO3 - là thành phần chính của vỏ và bộ xương ngoài của các đối tượng này. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, 1 kg CaCO3 chứa 500g CO2. Như vậy theo cách này thì carbon đã bị “giữ” vĩnh viễn trong cấu tạo vỏ và xương của các đối tượng nuôi trồng thủy sản. Trong khi với trường hợp hấp thụ carbon qua cây xanh và rừng thì vẫn có “đường” để carbon quay trở lại không khí, ví dụ như khi cây bị đốt thì carbon sẽ quay trở lại khí quyển.
        Ngoài ra, các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản khi được sử dụng làm thực phẩm cho con người hoặc động vật thì lượng carbon mà các đối tượng nuôi này hấp thụ từ môi trường có thể được chuyển hoá thành bộ xương của con người và động vật tiêu thụ. Lượng carbon này cũng có thể được chuyển hoá thành carbon thực vật khi các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản được sử dụng như là phân bón cho cây trồng. Đồng thời, một khía cạnh tích cực khác của việc nuôi trồng các đối tượng nhuyễn thể ăn lọc là có khả năng làm sạch môi trường nước khi chúng lọc các chất mùn bã, cặn vẩn hữu cơ trong nước để làm thức ăn.
       Ethanol và diesel sinh học cũng là những sản phẩm có thể được sản xuất từ các động vật thuỷ sản để làm nguyên liệu sinh học cho các thiết bị, máy móc thân thiện với môi trường. Vì thế có thể khẳng định một điều là phát triển nuôi trồng thủy sản sẽ góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của Biến đổi khí hậu.
                      ( ảnh: nuôi cua bên rừng ngập mặn, hộ anh Hùng xã Quỳnh yên,huyện Quỳnh lưu Nghệ an )
                                                      Trần Trung Thành - Nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây