Với các ưu điểm vượt trội như hạn chế rủi ro do thời tiết, dịch bệnh cũng như chủ động được thời vụ và cho năng suất cao, nên nhiều hộ dân ở xã Diễn Trung, huyện Diễn châu Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng để nuôi tôm trong nhà.
Sau nhiều năm nuôi tôm thẻ theo hình thức cũ: Nuôi ao đất và đào ao lót bạt đen, bạt sọc ngoài trời không ổn định, có vụ được vụ mất nhưng nhìn chung mất nhiều hơn được, cuối năm 2018, gia đình anh Nguyễn Văn Bình xã Diễn Trung, huyện Diễn châu đã mạnh dạn đầu tư chuyển sang mô hình nuôi tôm trong nhà, ban đầu cũng chỉ ý định làm bể trong nhà để ương dèo tôm giống và chuyển dần qua nuôi thương phẩm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 ương trong bể trong nhà, giai đoạn 2 chuyển ra ao) và bây giờ thì gia đình anh đã chuyển hẳn qua nuôi trong nhà màng. Đây cũng gần như là mô hình nuôi tôm trong nhà đầu tiên ở xã Diễn Trung, huyện Diễn châu, gia đình anh đã đầu tư 1 tỷ đồng, xây dựng 2 nhà nuôi tôm. Trao đổi với chúng tôi, anh Bình cho biết: “Tôi từng nuôi tôm nhiều năm, từ nuôi trong hồ đất, hồ bạt và cũng không ít lần thất bại. Sau khi được một số cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh giới thiệu cho đi tham quan mô hình nuôi tôm trong nhà ở các tỉnh như Quảng ninh, Thái Bình, Nam định về, tôi đã bàn với vợ con và quyết tâm vay vốn đầu tư. Ban đầu tôi xây thử nghiệm 1 nhà 3 bể diện tích mỗi bể là 100 m² rồi dần mở rộng ra. Hiện nay, gia đình tôi đã có 2 nhà, chia thành 6 bể, có 03 bể nhỏ mỗi bể 200 m2 và 03 bể lớn 500 m2 với tổng diện tích 02 nhà gần 3.000 m². Trong nhà nuôi tôm có hệ thống đèn chiếu sáng, mùa đông có mái che kín bằng nilon, mùa hè sử dụng lưới lan để đảm bảo độ thông thoáng. Qua 02 năm nuôi trong nhà đã thấy rõ được hiệu quả đó là có thể giảm thiểu chi phí nuôi, quản lý được các yếu tố môi trường, thức ăn một cách dễ dàng và chính xác, đặc biệt là khâu thu hoạch vì trong bể tròn nên tôi căn lúc nào tôm đủ cỡ thương phẩm thì thu hoạch bán lẻ nên giá thành lúc nào cũng cao. Sau hơn 1 năm nuôi trong nhà, tôm đã cho thu hoạch 3 vụ, mỗi vụ lãi gần 700 triệu đồng”. Anh Bình cho biết thêm, thời gian nuôi tầm 4 tháng, cứ mỗi bể 500m² cho năng suất khoảng 7 - 8 tạ tôm thương phẩm cỡ lớn, cá biệt có hồ đạt gần 2 tấn.Năng sất đạt 14 - 16 tấn/ha/vụ, cá biệt 40 tấn/ha/vụ. Nếu nuôi hồ bạt như trước đây thì mỗi vụ cho năng suất khoảng 5 - 6 tấn/ha.Nuôi tôm trong nhà cho hiệu quả cao, năng suất gấp nhiều lần so với nuôi hồ bạt ngoài trời. Cách nhà nuôi tôm của anh Bình không xa là khu vực nuôi tôm của gia đình anh Trần văn Đại với diện tích 5ha, trong đó có 2 nhà nuôi với diện tích 8.000m². Anh Đại cho biết: “Thấy mô hình của ông Bình làm hiệu quả nên tôi đã vay mượn để xây dựng 2 nhà nuôi với 20 bể, tổng chi phí đầu tư 1,2 tỷ đồng. Tuy vốn bỏ ra ban đầu khá cao nhưng nuôi tôm trong nhà kín có ưu điểm hơn nuôi ở ngoài trời như tiết kiệm nhân công, tránh được những bất lợi của thời tiết, nuôi tôm về cỡ lớn nên bán được giá. Hiện tôi đã nuôi được 2 vụ tôm trong nhà. Với 20 bể, mỗi lứa nuôi hết các bể tôi thả khoảng 2 triệu con tôm post, nuôi được khoảng 2 - 3 tháng thì cho ra hồ bạt nuôi tiếp đến tầm hơn 4 tháng thì xuất bán. Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục xây thêm nhà nuôi”. Theo các hộ nuôi, tôm là loài nhạy cảm với thời tiết, dễ dịch bệnh, nhất là giai đoạn đầu nên việc nuôi tôm trong nhà kín đảm bảo “sức khỏe” ở giai đoạn này là công đoạn quyết định đến vụ nuôi. Ngoài kiểm soát được thời tiết, dịch bệnh, nuôi tôm trong nhà còn giúp người nuôi chủ động điều chỉnh thời điểm thả giống. Đặc biệt, khi nuôi ở hồ bạt, người dân không dám thả tôm giống vào mùa đông nhưng đối với nhà nuôi tôm thì có thể sản xuất quanh năm. Tính đến thời điểm này toàn xã có hơn 50 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canhthì trong đó trong đó đã có trên 10 hộ có mô hình nuôi trong nhà. Việc người nuôi chủ động kiểm soát vùng nuôi, nhiệt độ, nguồn nước, tảo đã hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, từ đó mang lại thu nhập tốt hơn. Nhà nuôi tôm được trang bị hệ thống chiếu sáng, đảm bảo các điều kiện cho tôm phát triển.Với hiệu quả kinh tế cao, nuôi tôm trong nhà là một trong những bước đi phát triển kinh tế không những tại xã Diễn Trung mà còn mở rộng ra các vùng khác. Có thể thấy Mô hình nuôi tôm trong nhà tuy còn mới đối với xã Diễn Trung huyện Diễn Châu nhưng được đánh giá là mang lại hiệu quả vượt trội và được nhiều tỉnh, thành triển khai từ lâu. Nuôi tôm trong nhà có ưu thế hơn hẳn so với bên ngoài trong việc xử lý nguồn nước nuôi, khống chế được yếu tố bất lợi của thời tiết, giảm thiểu dịch bệnh, đảm bảo khâu thu gom chất thải. Việc nhân rộng mô hình này mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi tôm, trong quá trình nhân rộng cần đúc rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với điều kiện ở Nghệ An.
ảnh: thu hoạch tôm thẻ nuôi trong nhà hộ anh Bình, xã Diễn Trung huyện Diễn Châu Bảo Trang - nguồn TSKN