Thứ năm, 23/01/2025, 17:17

Kỹ thuật mới trong nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển phía Bắc

Thứ hai - 23/12/2024 20:25 144 0
Tôm nước lợ thuộc nhóm đối tượng thủy sản nằm trong chiến lược phát triển nuôi của quốc gia. Nghề nuôi tôm nước lợ đã có những tăng trưởng vượt bậc và đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới. Theo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong giai đoạn 6 năm, ngành tôm Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong sản xuất và xuất khẩu.
Kỹ thuật mới trong nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển phía Bắc
Diện tích nuôi tôm tăng trung bình 5% mỗi năm, trong khi sản lượng tăng trung bình 8,4%, chủ yếu nhờ năng suất nuôi tôm chân trắng cải thiện. Sản lượng tôm chân trắng tăng liên tục và tăng mạnh 82% sau 5 năm với mức tăng trung bình 13% mỗi năm. Trong khi đó, sản lượng tôm sú ghi nhận mức giảm trung bình 1,5% và giảm 8% sau 6 năm, năng suất không có sự tăng trưởng đáng kể so với tôm chân trắng. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2022. Tỷ trọng tôm trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 giảm cả về lượng và trị giá so với năm 2022. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh dưới tác động của lạm phát và tôm Việt Nam phải cạnh tranh với nguồn cung cấp tôm từ Ecuador, Ấn Độ.
Để nghề nuôi tôm ở Việt Nam phát triển bền vững, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, thì đòi hỏi sự chung tay hành động của ngành, địa phương, nhà nghiên cứu, người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với các giải pháp căn cơ, bài bản cho cả chuỗi sản xuất tôm, nhất là việc quy hoạch vùng nuôi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, phù hợp trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng an toàn sinh học, giảm phát thải carbon, chất thải rắn, bảo vệ môi trưởng, kiểm soát lây lan của dịch bệnh...
Trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã thực hiện một số nghiên cứu về giống và nuôi thương phẩm tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Kết quả của các nhiệm vụ KHCN đóng góp đáng kể đến hoạt động nuôi tôm nói chung tại Việt Nam. Có thể kể đến Quy trình nuôi tôm thâm canh tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) ứng dụng công nghệ Biofloc được Tổng cục Thủy sản công nhận năm 2017.
Các chỉ tiêu kỹ thuật đạt được của quy trình là: Mật độ thả giống: 100-120 con/m2, Cỡ con giống: PL10-15; Thời gian nuôi: 90 ngày/vụ; Cỡ tôm thịt 20 g/con (50 con/kg); Năng suất đạt 15 tấn/ha; FCR: 0,92-1,03
Sơ đồ các bước vận hành quy trình

Công nghệ Biofloc (BFT) là quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi thủy sản. Biofloc tập hợp một khối các chất hữu cơ lơ lửng trong nước như các loại tảo đơn bào, tảo đa bào, phân, thức ăn dư thừa, xác vi sinh vật, vi khuẩn và kể cả động vật không xương sống,.. Không phải tất cả các vi sinh vật trong nước đều có khả năng hình thành Biofloc, ví dụ trong giống Bacillus chỉ có hai loài (Bacillus subtilis, Bacillus cereus ) có khả năng hình thành Biofloc. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của vi sinh vật tạo Biofloc là phải có khả năng tổng hợp nên các hợp chất Polyhydroxy alkanoate (PHA), đặc biệt là chất Poly β-hydroxy butirate. Đây là một dạng hợp chất polymer sinh học có tác dụng kết dính các thành phần khác tạo thành Biofloc dạng bông lơ lửng trong nước.
Thành phần của Biofloc bao gồm 70-80% chất hữu cơ, vi khuẩn dị dưỡng, các tinh thể muối (Calcium carbonate hydrate), hạt keo, vi khuẩn dị dưỡng, động vật nguyên sinh, luân trùng, mùn bã hữu cơ, nấm, tảo (dinoflagellates và khuê tảo) được liên kết bởi polymer sinh học (PHA) do vi sinh vật tiết ra. Đường kính trung bình của Biofloc từ 0,2 – 2,0 mm. Một số loài vi sinh vật có khả năng hình thành Biofloc bao gồm: Zooglea ramigera, Escherichia intermedia, Paracolobacterium aerogenoids, Bacillus subtilis, Bacillus cereus, Flavobacterium, Pseudomonas alcaligenes, Sphaerotillus natans... Thành phần dinh dưỡng trong Biofloc có chứa 25-56% protein, 25-29% các bon hữu cơ và có chứa nhiều các axít amin. Tôm thẻ chân trắng có thể dùng chân để lấy các Biofloc và ăn trực tiếp hoặc ăn các mùn bã hữu cơ lắng ở đáy ao. Với tôm thẻ chân trắng, chúng có khả năng lọc và ăn trực tiếp các Biofloc lơ lửng trong nước hoặc ăn các Biofloc lắng ở đáy ao đầm nuôi. Đây là nguồn thức ăn tự nhiên rất giàu dinh dưỡng. Dinh dưỡng từ chất thải của tôm được vi sinh vật tái sử dụng hiệu quả, không những làm giảm lượng chất thải trong quá trình nuôi và thu hoạch mà còn giúp tăng sự ổn định của chất lượng nước trong suốt chu kỳ nuôi. Tôm nuôi sử dụng biofloc làm thức ăn vì vậy hiệu quả sử dụng đạm trong thức ăn tăng lên khoảng 13% (Hari và ctv, 2004); 18-19% (Burford và ctv, 2004).  Sự phát triển ưu thế của nhóm vi sinh vật có lợi trong các biofloc có tác dụng tích cực trong việc khống chế sự phát triển của các nhóm vi khuẩn có hại như nhóm Vibrio, vì vậy giảm nguy cơ xảy ra dịch bệnh với tôm nuôi (Browndy và Bratvold, 1998).
Hệ thống Biofloc được phát triển để nâng cao khả năng kiểm soát môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Thông thường, nuôi tôm với mật độ cao cần phải có một hệ thống xử lý chất thải. Hệ thống Biofloc cho phép các chất thải hữu cơ và quần thể vi sinh vật tồn tại trong ao nuôi. Thông qua quá trình xáo trộn nước và sục khí để duy trì sự hiện diện của các hạt floc, chất lượng nước được đảm bảo. Công nghệ Biofloc là giải pháp giải quyết 2 vấn đề: (1) Loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng xử lý nước ao nuôi, (2) Sử dụng Biofloc làm thức ănbổ sung tại chỗ cho đối tượng nuôi (Avnimelech, 1999). Do đó, công nghệ Biofloc làm giảm chi phí thức ăn và được coi là giải pháp để phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp. Công nghệ này đã giải quyết được vấn đề chất thải hữu cơ trong ao nuôi qua việc tạo điều kiện tối ưu để vi khuẩn dị dưỡng phát triển trong thủy vực nuôi thủy sản (Avnimelech, 1999). Vi sinh vật dị dưỡng sử dụng các bon hữu cơ (tinh bột, rỉ đường, phế phụ phẩm từ quá trình lên men sản xuất nhiên liệu sinh học, chất thải của động vật thủy sản...) làm thức ăn kéo theo việc hấp thụ ni tơ vô cơ hòa tan (chủ yếu là Ammonia, thành phần chính của chất thải thủy sản nuôi) để tạo protein trong sinh khối. Sự thành công của công nghệ Biofloc đã được khẳng định trong thực tiễn sản xuất.
Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm đã góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và dịch bệnh và hạn chế tối đa sự ô nhiễm môi trường do khi áp dụng công nghệ này người nuôi hầu như không thay nước trong suốt vụ nuôi.

 
          Kiểm tra tôm nuôi theo công nghệ Biofloc tại hộ anh Hoàng Trọng Cầu xã An Hòa, huyện quỳnh lưu, Nghệ An
                                Chu Chí Thiết, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I - nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây