Thứ năm, 23/01/2025, 02:03

Thực trạng và giải pháp: Chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản sang các nghề có tính chọn lọc cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Thứ tư - 22/01/2025 22:25 13 0
Trong những năm gần đây, ngành khai thác thuỷ sản đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng, số lượng tàu thuyền phát triển quá nhanh đã và đang vượt quá ngưỡng bền vững tối đa.
Thực trạng và giải pháp: Chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản sang các nghề có tính chọn lọc cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Với mục tiêu phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng, phát triển bền vững, có cơ cấu và hình thành tổ chức sản xuất hợp lý; năng suất chất lượng hiệu quả cao; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an ninh xã hội. Ngày 11/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó các bộ, ban ngành và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch, chương trình để cụ thể hoá các nhiệm vụ xoay quanh 3 trụ cột cốt lõi: giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Với Chiến lược trên trên tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch số 914/KH- UBND ngày 27/11/2023 triển khai thực hiện đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Nghệ An với mục tiêu đến hết năm 2030 số tàu khai thác thuỷ sản toàn tỉnh còn lại 2.537 chiếc (trong đó vùng khơi 1.005 chiếc; vùng lộng và vùng ven bờ 1.532 chiếc); Chuyển đổi 20 tàu làm nghề lướu kéo khai thác vùng khơi sang nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần, lưới rê (trừ rê thu ngừ); Chuyển đổi 100 tàu khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng đang khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản, nghề cá giải trí, các nghề kinh tế khác. Để đạt được mục tiêu này Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An đã giao cho Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện nhiệm vụ “Tư vấn chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản sang các nghề có tính chọn lọc cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An”
Thực trạng khai thác và nguồn lợi thuỷ sản ở vùng biển Nghệ An
 Trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản ở vùng biển nước ta 20 năm qua có xu hướng suy giảm rõ rệt. Theo kết quả nghiên cứu điều tra của Viện nghiên cứu Hải sản trữ lượng tức thời nguồn lợi hải sản ở vùng ven bờ và vùng lộng tỉnh Nghệ An ước tính 45.365 tấn; trong đó cá nổi nhỏ là 43.065 tấn (chiếm 94,9%) và hải sản tầng đáy 2.300 tấn (chiếm 5,1%). Khả năng khai thác tối đa các nhóm nguồn lợi ở vùng ven bờ và vùng lộng tỉnh Nghệ An đạt 27.285 tấn. Trong đó, khả năng khai thác tức thời ở vùng ven bờ là 8.148 tấn và ở vùng lộng 19.137 tấn. Khả năng khai thác tức thời cá nổi nhỏ đạt 25.839 tấn và nhóm hải sản tầng đáy khoảng 1.446 tấn.
Tính đến cuối năm 2024 toàn tỉnh Nghệ An có 3.124 tàu cá, trong đó tàu cá diện phải đăng ký là 2.841 tàu, số còn lại 283 tàu chủ yếu là bè mảng và tàu cá dưới 6 m không phải diện đăng ký mà giao cho địa phương quản lý. Đối với nghề khai thác hiện nay nghề lưới rê là nghề chiếm ưu thế với 2.307 chiếc chiếm 53,1%, nghề lưới kéo (giã cào) có 657 chiếc chiếm 15,1%, nghề lưới chụp có 440 chiếc chiếm 10,1%, nghề câu có 399 chiếc chiếm 9,2%, còn lại là các nghề lưới vây, lồng bẫy và nghề khác. Nhưng theo quy định hiện nay, một số nghề khai thác bị cấm hoạt động ở vùng ven bờ như nghề lưới kéo (trừ nghề kéo moi, ruốc), nghề lồng xếp, nghề te, xiệp,….. Theo kết quả điều tra của viện nghiên cứu hải sản thì tại tỉnh Nghệ An cho thấy nghề lưới kéo (giã cào), nghề lồng xếp và nghề lưới chụp là các có nghề mức độ xâm hại cao đến nguồn lợi thuỷ sản. Trong đó nghề lưới lồng xếp có mức độ xâm hại nguồn lợi cao nhất với 72.0%, thứ hai là nghề lưới kéo với mức độ xâm hại nguồn lợi khoảng 62,8%, nghề chụp mực là 40,8%, số lượng cá thể đánh bắt nhỏ hơn chiều dài khai thác cho phép.
Qua điều tra thực trạng chuyển đổi nghề khai thác trên địa bàn tỉnh Nghệ An:
Hiện nay, việc chuyển đổi nghề khai thác hải sản ở Nghệ An diễn ra theo hai xu hướng chính: một là chuyển đổi nghề trong nội bộ ngành khai thác hải sản; hai là chuyển đổi ngoài ngành khai thác như chuyển sang lao động xuất khẩu, dịch vụ trên bờ, làm công nhân….Theo điều tra, hầu hết các nghề khai thác hải sản đều có xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp trong đó nghề lưới kéo chiếm 30,6%, nghề lưới vây chiếm 24,5%, nghề lưới chụp chiếm 20,4%, nghề lồng bẫy ghẹ chiếm 18,4%, còn lại là các nghề lưới rê, lưới mành và nghề te, xiệp. Bên cạnh đó trong các hộ ngư dân đã chuyển đổi nghề thì có 46,9% số hộ chuyển sang nội bộ ngành nghề khai thác, còn lại 53,1% chuyển sang các nghề ngoài lĩnh vực khai thác.
Về hiệu quả kinh tế theo điều tra các hộ chuyển đổi nghề cho thấy có 64,1% số hộ chuyển đổi nhận định doanh thu của nghề mới tăng lên so với nghề khai thác trước đó, có 11,8% sô hộ cho rằng doanh thu sản xuất như cũ còn lại 12,6% số hộ chuyển đổi nhận định doanh thu bị giảm.
Về hiệu quả xã hội thì theo kết quả điều tra vấn đề đầu tư cho giáo dục, con cái thì có 68,5% số hộ chuyển đổi khằng định là tốt hơn nhiều so với nghề cũ. Số hộ còn lại khẳng định đầu tư vào giáo dục và con cái không có thay đổi so với nghề cũ. Một vấn đề khác được đánh giá nhận định là khi chuyển đổi sang nghề mới thì ngư dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế, vui chơi, giải trí tốt hơn nhiều so với trước đây.
Theo điều tra thực tế hiện nay thì có 4 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển nghề của ngư dân khai thác hải sản tại Nghệ An đó là: Tổng số lao động trên tàu, tổng sản lượng khai thác, tổng lợi nhuận và loại nghề hoạt động, trong 4 yếu tố đó thì yếu tố tổng số lao động trên tàu là yếu tố tác động mạnh nhất tới quyết định chuyển đổi nghề của ngư dân.
Dựa vào những kết quả điều tra thực trạng, dựa vào cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của các địa phương khác, cơ sở khoa học thì đội tư vấn của viện nghiên cứu hải sản đã đưa ra một số giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp khai thác hải sản trong thời gian tới như sau:
Về giải pháp thực hiện:
1.Chính sách hỗ trợ thu mua hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho các tàu trong diện giải bản; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngư cụ, phương thức khai thác thuỷ sản cấm, xâm hại lớn đến nguồn lợi sang ngư cụ, phương thức khai thác theo quy định và thân thiện với nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm phát triển nghề khai thác thuỷ sản hiệu quả và bền vững. 
2. Hỗ trợ cho vay vốn lâu dài với chính sách ưu đãi để người dân có thể yên tâm chuyển đổi sang nghề mới như nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch ven biển…. phù hợp với từng vùng của địa phương.
3. Tiến hành tập huấn, đào tạo nghề cho các ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới. Để các ngư dân có thể an tâm chuyển sang một nghề mới thì việc hỗ trợ tập huấn, đào tạo nghề cho các ngư dân là hết sức cần thiết. Cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để đào tạo tập huấn cho các ngư dân vùng chuyển đổi
4. Xây dựng, triển khai mô hình chuyển đổi nghề để tiến hành nhân rộng trong ngư dân: Việc lựa chọn, xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi nghề là việc làm hết sức cần thiết. Nó có tác động tích cực đến khả năng thành công của việc chuyển đổi nghề cho ngư dân trong thời gian tới. Chúng ta có thể lựa chọn một số mô hình chuyển đổi nghề như nuôi trồng thuỷ sản, nông nghiệp,…
Hy vọng rằng trong lộ trình giai đoạn 2025- 2030 sẽ chuyển đổi thành công nghề khai thác hải sản xâm hải, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản sang các nghề khác có tính chọn lọc cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đảm bảo đúng chủ trương pháp triển thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái bền vững. Ổn định sinh kế và tạo ra việc làm mới cho cộng đồng ngư dân. Ổn định đời sống, từng bước đưa ngư dân lao động trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản tiếp cận với các ngành nghề khác trong xã hội./.

                                       Lệ Hằng: Trung tâm Khuyến nông - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây