Mô hình này không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng lươn mà còn tạo ra một chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mô hình được làm tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc với quy mô 150 m2 , thời gian thực hiện mô hình từ tháng 5 năm 2024 đến tháng 12 năm 2024. Đây là dự án xây dựng mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể không bùn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2024 - 2026, từ nguồn kinh phí Khuyến nông Trung ương. Đơn vị chủ trì: Công ty CP Phát triển công nghệ cao Hoan Châu. Dự án được triển khai tại 3 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hoá và Nghệ An.
Kiểm tra mô hình nuôi lươn trong bể không bùn
Mô hình nuôi lươn trong bể không bùn là một giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục những khó khăn trong việc nuôi lươn truyền thống, như ô nhiễm môi trường và khả năng kiểm soát chất lượng nước nuôi. Bể nuôi không bùn giúp giảm thiểu sự phát sinh của mầm bệnh, đồng thời dễ dàng kiểm soát chất lượng nước và thức ăn cho lươn, tạo điều kiện cho lươn phát triển nhanh và khỏe mạnh.
Trong chuyến kiểm tra, đoàn đã trực tiếp tham quan các bể nuôi và trao đổi với hộ dân tham gia mô hình. Đặc biệt, hộ dân trong mô hình không chỉ được hỗ trợ về giống, vật tư và kỹ thuật nuôi mà sẽ được Trung tâm Khuyến nông kết nối với các đơn vị thu mua, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trong thời điểm kiểm tra hiện tại lươn phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt ít.
Ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nghệ An, cho biết: "Mô hình nuôi lươn trong bể không bùn là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển ngành chăn nuôi thủy sản tại Nghệ An. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mô hình còn giúp bà con nông dân giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ vào sự liên kết bền vững giữa các hộ nuôi và các doanh nghiệp thu mua."
Chị Nguyễn Thị Lân, một trong những hộ tham gia mô hình, chia sẻ: “Trước đây chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì môi trường nuôi lươn. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình nuôi lươn trong bể không bùn, tôi thấy lươn phát triển khỏe mạnh hơn, dễ dàng kiểm soát được chất lượng nước, và chị hy vọng sau khi thu hoạch sản phẩm tiêu thụ thuận lợi nhờ vào việc kết nối với doanh nghiệp.”
Chị Nguyễn Thị Lân chủ hộ đang chăm sóc thay nước cho Lươn
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ người dân trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm và tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản, nhằm góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Nghệ An phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trần Nhật Phong – Trung tâm KN Nghệ An