Tuy nhiên được sự quan tâm từ Trung ương xuống địa phương, sự giúp đỡ các ngành, các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp&PTNT(nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) cũng như chính quyền địa phương và sự năng động, sáng tạo của các cá nhân/tổ chức nên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 73.500 tấn. Trong đó: Sản nuôi ngọt 58.000 tấn, nuôi mặn lợ 15.500 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 22.550 ha, trong đó: Diện tích nuôi ngọt đạt 20.500 ha, nuôi mặn, lợ 2.050 ha (tôm 1.776 ha). Sản xuất, ương dưỡng tôm giống đạt 2.860 triệu con, cá giống 690 triệu con.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản và Kiểm Ngư: Sản xuất, ương dưỡng giống mặn lợ tăng về số lượng, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ. Cơ sở hạ tầng sản xuất giống không ngừng mở rộng, nâng cấp công suất. Sản xuất, ương dưỡng tôm Thẻ chân trắng, Số lượng chủ lực vẫn là Công ty TNHH Việt Úc Nghệ An, tiếp đến Chi nhánh Công ty TNHH SX giống thủy sản Đại Hưng Thuận, Chi nhánh Đại Việt Nghệ An - Công ty TNHH Đầu tư thương mại Đại Việt và một số cơ sở nhỏ lẻ đưa giống về ương dưỡng. Có 13 cơ sở sản xuất tôm giống kết hợp cho sinh sản cua giống đạt 30 triệu con, 01 cơ sở ương dưỡng tôm kết hợp cá giống đạt 1 triệu con.
Nuôi tôm thương phẩm ngày càng được đầu tư theo hướng thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất. Công tác ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, ngày càng quan tâm và đạt được những kết quả tốt.
Các hộ nuôi đã tiếp cận ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào nuôi trồng ngày càng quan tâm và có những bước phát triển tốt cụ thể như: Công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn, Ứng dụng quản lý tự động các yếu tố môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng... kết hợp với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cả vùng nuôi và từng cơ sở nuôi (xây dựng hệ thống nhà kín, lồng nổi có mái che nhằm ổn định nhiệt, hạn chế sự lây lan mầm bệnh và những tác động khác gây ảnh hưởng đến sinh trưởng tôm nuôi,...). Hiện nay, trên địa bàn đã có 97 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn với diện tích 186,10 ha (trong đó có 34 cơ sở nuôi tôm trong lồng nổi với 61,42 ha) làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Năng suất từ 15-20 tấn/ha/vụ. Để thuận tiện trong công tác quản lý giám sát quá trình sản xuất nhiều cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn đã lắp thiết bị Camera, cập nhật dữ liệu trên hệ thống máy tính…
Sản xuất, ương dưỡng Giống nước ngọt ổn định về số lượng, chất lượng được nâng cao và đa dạng đối tượng: Toàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống trong đó có 9 cơ sở sản xuất giống cấp 1 và 8 cơ sở ương dưỡng cấp 2, bên cạnh đó có nhiều hộ dân ương nuôi nhỏ lẻ mục đích phục vụ cho gia đình được phân bố rải rác khắp các huyện đồng bằng, ven biển. Đối tượng chủ yếu các loài cá truyền thống. Bên cạnh sản xuất các đối tượng cá truyền thống thì hiện nay trên địa bàn huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ các hộ dân đã chủ động tiếp cận ứng công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật để cho sinh sản các đối tượng như: Ốc Nhồi, Ba ba, Lươn, Ếch... ngoài đối tượng sản xuất được tại chổ trong tỉnh thì nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa đối tượng nuôi cho người dân các cơ sở còn dịch vụ từ tỉnh bạn về như: Tôm càng xanh, cá chình, leo, lóc, cá Rô phi đường nghiệp...
Nuôi thương phẩm thủy sản nước ngọt: Đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá nuôi truyền thống: cá Mè, Trắm, Trôi, Chép,… Hiện nay một số địa phương đang phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao cho kết quả tốt như: ốc nhồi, cá Lóc, rô phi, Lươn, cá Lăng, cá Leo...cho hiệu quả kinh tế cao. Trong các hình thức nuôi trồng thủy sản nước ngọt thì hình thức nuôi lồng trên sông, hồ đập thủy lợi, thủy điện được người dân quan tâm đầu tư phát triển mạnh từ công nghệ, đến đối tượng nuôi. Với ưu điểm tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, nguồn nước sạch hạn chế được dịch bệnh, đem lại hiệu quả cao cho người nuôi. Số lượng lồng nuôi toàn tỉnh cả năm ước đạt là 2.244 lồng tăng 71 lồng so năm 2023. Các địa phương có nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh như: huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Con Cuông....Nhìn chung các lồng nuôi phát triển mới trong năm đều đầu tư lắp đặt theo công nghệ cải tiến (khung lồng bằng nhựa PE, ống sắt mạ kẽm và lưới), kích cỡ từ 50 m3 trở lên.
Mặc dù các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đã hoàn thành, tuy nhiên Nuôi trồng Thủy sản tỉnh nhà vẫn còn một số tồn tại hạn chế đó là:
Đầu tư nuôi tôm giảm, hiệu quả chưa cao nguyên nhân: Thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và dễ nhiễm bệnh. Ngay từ đầu vụ nuôi, đã có hiện tượng tôm chết sớm, không rõ nguyên nhân đã ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư của người dân; giá vật tư đầu vào tăng; thị trường tiêu thụ không ổn định; Hạ tầng cơ sở bị xuống cấp, một số vùng nuôi hệ thống kênh cấp đã bị bồi lắng và chưa có kênh cấp, thoát nước riêng biệt.
Liên kết sản xuất đã có sự hình thành song đang ở các bước riêng lẽ, chưa hình thành liên kết theo chuỗi giá trị do: chưa có các công ty/doanh nghiệp/HTX đứng ra làm cầu nối của toàn chuỗi giá trị. Việc áp dụng các chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi còn nhiều lúng túng, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa có các thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Đối tượng nuôi nước ngọt chủ yếu đang là các loài cá truyền thống, các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao mới phát triển ở phạm vi nhỏ do: công tác đầu tư vào sản xuất chưa được người dân quan tâm; chưa tạo được sự liên kết giữa nhà sản xuất với nhà tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt khi phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao ở quy mô lớn; công tác triển khai quản lý chỉ đạo sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự quyết liệt./.
Trần Trung Thành - Trung tâm Khuyến nông - Nguồn TSKN