Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng
Thứ hai - 17/02/2025 22:37570
Nhận thấy lươn là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, năng suất đạt cao lại dễ tiêu thụ nên anh Đậu Trọng Dương, hội viên Nông dân Xóm 10, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành đã chọn phát triển kinh tế với mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng. Với đầu tư bài bản, đúng kỹ thuật với khu nuôi lên đến 1.000m2 hiện nay đã là nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Đến xóm 10, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành nhắc đến mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng mang lại hiệu quả kinh tế cao của anh Đậu Trọng Dương ai cũng tấm tắc ngợi khen tinh thần chí thú làm ăn, cầu tiến, ham học hỏi. Chia sẻ thông tin với với chúng tôi về tinh thần khởi nghiệp, quyết chí thoát nghèo của mình, anh Đậu Trọng Dương kể: “Học hỏi thông tin, kiến thức nuôi lươn trong bể xi măng qua mạng, báo chí, năm 2017 tôi bắt tay vào nuôi lươn với 4 bề nuôi tổng diện tích 40 m2. Do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả không cao. “Thất bại là mẹ thành công”, rút kinh nghiệm từ vụ đầu, tôi bắt đầu áp dụng những kiến thức khoa học và qua tham quan thực tế các mô hình nuôi lươn trong ngoài tỉnh. Nhờ đúc kết kinh nghiệm từ tài liệu, báo chí, nên đến năm 2020 anh quyết định bắt tay đầu tư mở rộng diện tích khu nuôi lên đến 1.000 m2, ban đầu từ 4 bể anh mở rộng lên 15 bể nuôi thương phẩm với diện tích mỗi bể từ 6- 10m2, được lát gạch xung quanh và dưới đáy bể nhằm tạo độ trơn, giúp vật nuôi không bị tổn thương, trầy xước khi di chuyển. Sau khi hoàn thành việc xử lý sát khuẩn bể, mỗi năm anh thả khoảng hơn 4 vạncon lươn giống, với đủ các loại kích cỡ từ 500 - 700 con/kg ở phía Nam. Nhờ cách chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên anh gặp nhiều thuận lợi ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình thả nuôi con giống. Sau 10 tháng nuôi anh thu hoạch được khoảng 9 tấn lươn thương phẩm, với giá bán 110.000-113.000 đồng/kg (5-7 con/kg), sau khi trừ chi phí, anh Dương thu lãi khoảng gần 500 triệu đồng. Nhận thấy để chủ động nguồn giống trong quá trình nuôi và tăng hiệu quả kinh tế, anh lại tiếp tục tìm hiểu về kỹ thuật cho lươn đẻ. Đầu năm 2023 anh quyết định đầu tư tiếp và khu lươn để và ương lươn giống. Anh đầu tư 6 bể đẻ với diện tích 8m2/ bể, 30 khay ấp trứng và 4 bể ương lươn giống. Hàng năm anh cho đẻ được khoảng hơn 4 vạn lươn giống vừa đủ để anh đưa vào nuôi lươn phẩm. Vì chủ động được con giống, không phải mua nên 2 năm trở lại đây mỗi năm, sau khi trừ chi phí thu về được gần 700 triệu đồng. Theo anh Đậu Trọng Dương, lươn là loại da trơn, dễ bị trầy xước nên khi nuôi trong bể xi măng, phải đảm bảo nền và lòng bể trơn bóng. Hơn nữa, lươn có đặc tính thích trú ẩn, thường sống chui rúc nên anh đã chọn giá thể, nơi trú ẩn cho lươn bằng dây lưới mềm. Với hình thức nuôi này lươn có tốc độ tăng trọng nhanh, dễ quan sát quá trình sinh trưởng và phát triển của lươn.
Khu nuôi lươn thương phẩm trong bể xi măng hộ anh Đậu Trọng Dương
Qua tiếp cận các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện và của các cơ quan chuyên ngành đã trang bị cho người dân về những kiến thức cơ bản, qua đó anh Dương chia sẻ thêm: Để lươn sinh trưởng, phát triển tốt thì trước tiên khi làm trại nuôi phải chú trọng đảm bảo yếu tố thoáng mát vào mùa Hè, che chắn ấm vào mùa Đông. Vì lươn là đối tượng nuôi khá mẫn cảm với môi trường nước nên mỗi ngày anh tiến hành thay nước 2 lần theo đúng khung giờ buổi sáng và chiều. Nguồn nước được lấy từ giếng khoan, trước khi cho vào bể nuôi anh đưa nước vào bể chứa qua hệ thống lọc và xử lý bằng thuốc tím để nguồn nước đảm bảo chất lượng... Sau 30 phút thay nước, khi lươn đã ổn định thì mới cho lươn ăn để tránh bị sốc. Điều khác biệt ở đây là nước sau khi thải ra anh không thải ra ngoài môi trường mà thải vào bể chứa, sau đó tiến hành xử lý sạch sẽ thì cấp lại vào bề nuôi thương phẩm. Với hình thức nuôi tuần hoàn khép kín này không những chủ động nguồn nước trong quá trình nuôi, tránh ô nhiễm môi trường khi thả nước ra ngoài. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả và năng suất sản lượng trong quá trình nuôi anh luôn sử dụng một số chế phẩm định kỳ để phòng trị các bệnh thường gặp ở lươn như đường ruột, nấm,..
Anh Dương đang kiểm tra định kỳ bể lươn thương phẩm
Nuôi lươn không bùn của gia đình anh Đậu Trọng Dương là một mô hình nuôi hiệu quả và có giá trị kinh tế cao ở xã Mỹ Thành. Hy vọng từ mô hình này sẽ giúp người dân trong vùng học hỏi, phát triển mô hình một cách rộng rãi, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trong vùng, tạo nguồn sản phẩm đầu ra chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ, để ổn định sản xuất. Hơn lúc nào hết người nông dân cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng. Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng không bùn của anh Đậu Trọng Dương là mô hình hay cần được nhân rộng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Khu vực cho lươn đẻ và ương lươn giống của hộ anh Đậu Trọng Dương Lệ Hằng - Trung tâm KNNA - Nguồn TSKN