Để nghiệm thu, đánh giá kết quả triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP và thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình, từ đó nhân rộng mô hình tại địa phương. Trung tâm Khuyến nông Nghệ An phối hợp với Công ty cổ phần ĐT&PT Nông nghiệp Nghệ An tổ chức nghiệm thu, tổng kết và trao giấy chứng nhận VietGAP cho các hộ dân tham gia xây dựng mô hình.
Thành phần tham gia gồm có: Đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Nghệ An; Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông; Đại diện Phòng kinh tế Thị xã Hoàng Mai; Đại diện lãnh đạo UBND Phường Mai Hùng - Thị xã Hoàng Mai; Đại diện Công ty cổ phần ĐT&PT Nông nghiệp Nghệ An.
Dự án “Xây dựng mô hình Nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở Bắc Trung bộ” bước đầu đã có những kết quả tốt, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cũng như làm cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Việc liên kết với các đơn vị cung cấp vật tư, con giống đảm bảo, áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân thành công trong vụ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với 02 hộ dân tham gia mô hình có cơ sở nuôi trồng thuỷ sản thuộc Phường Mai Hùng, Thị xã Hoàng Mai, Tỉnh Nghệ An, quy mô 0,8 ha. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% con giống vật tư, hỗ trợ 100% kinh phí đánh giá chứng nhận VietGAP, được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh, kỹ thuật nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Kết quả đạt được mô hình đã vượt một số chỉ tiêu theo yêu cầu của hợp đồng như năng suất đạt 16 tấn/ha (theo yêu cầu ≥ 15 tấn/ha); kích cỡ tôm thu hoạch 50 con/kg (so với hợp đồng ≤ 60 con/kg). Với giá bán bình quân 160.000 đ/kg, người nuôi thu được hơn 2 tỷ 048 triệu đồng/vụ đối với diện tích nuôi 0,8 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt mức 745.000.000 đ/vụ.
Lãnh đạo Trung tâm KN Nghệ An kiểm tra mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP
Ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nghệ An, chia sẻ: “Việc đạt chứng nhận VietGAP trong nuôi tôm giúp người nuôi tôm nắm vững quy trình VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Sau một thời gian áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt về chất lượng nước, thức ăn, thuốc thú y và các yếu tố môi trường, các hộ nuôi tôm đã hoàn thành mô hình nuôi tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP và đủ điều kiện nhận chứng nhận. Qua đây Trung tâm Khuyến nông cùng phối hợp với địa phương cùng giám sát hướng dẫn cơ sở áp dụng quy trình để duy trì chứng nhận VietGAP trong quá trình nuôi, đến khi hết thời hạn đề nghị cơ quan chứng nhận tiếp tục hướng dẫn và đánh giá chứng nhận lại”
Ông Nguyễn Cảnh Toán, một trong những hộ nuôi tôm tham gia mô hình, vui mừng chia sẻ: “Trước khi áp dụng quy trình VietGAP, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì chất lượng tôm. Nhưng sau khi áp dụng quy trình này, sản phẩm tôm của gia đình tôi không chỉ sạch, an toàn mà còn được nhiều khách hàng tin tưởng và yêu cầu mua với giá cao hơn. Tôi rất vui khi được trao chứng nhận này.”
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An trao chứng nhận VietGAP cho các hộ nuôi tôm
Chứng nhận VietGAP không chỉ mang lại giá trị kinh tế trực tiếp cho người nuôi tôm mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Đây là động lực để nhiều hộ dân khác trong tỉnh tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An sẽ tiếp tục hỗ trợ các mô hình nuôi tôm khác, mở rộng các mô hình VietGAP và tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến nông để phát triển nông nghiệp bền vững tại Nghệ An.
Hồ Thị Hiền - Trung tâm Khuyến nông Nghệ An