Hội thảo triển khai chương trình thí điểm “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” tại huyện Quỳnh Lưu

Thứ tư - 03/07/2024 22:44 487 0
Hội thảo triển khai chương trình thí điểm “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” tại huyện Quỳnh Lưu
Ngày 02/7/2024, Công ty Green Carbon INC và Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu tổ chức hội thảo với chủ đề “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” nhằm triển khai thí điểm chương trình “Tạo tín chỉ carbon và kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ trong sản xuất lúa giảm phát thải khí mê tan (CH4)” trong vụ hè thu năm 2024 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.
Đồng chí Lê Văn Khánh - Đại diện Công ty Green Carbon INC tại Việt Nam, đồng chí Phan Duy An - Phó trưởng Bộ môn Cây lương thực và Cây thực phẩm thuộc Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ và đồng chí Lê Văn Cường - Phó tổng GĐ công ty TNHH MTV thuỷ lợi Bắc Nghệ An đồng chủ trì Hội thảo.
Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Ban quản lý Diễn đàn Thị trường Nông nghiệp tỉnh Nghệ An; UBND huyện Quỳnh Lưu, Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu; Công ty Green Carbon INC tại Việt Nam, Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu; lãnh đạo UBND xã, công chức địa chính - nông nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp các xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.
Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ đã ban hành về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hội thảo về đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”, cụ thể như sau: năm 2023 thiết lập các thị trường carbon, năm 2025 bắt đầu thí điểm, năm 2028 chính thực vận hành và mục tiêu 2050 đưa phát thải về 0.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) và theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc, trong đó trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm 48%.
Ở tỉnh Nghệ An hàng năm có diện tích trồng lúa khoảng 180 nghìn ha. Với tiềm năng tạo được 8 tín chỉ/ha. Tổng doanh thu ước tính là 182 tỷ VNĐ. Trong vụ xuân 2024, Công ty Green Carbon INC (Nhật Bản) phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ triển khai thực hiện chương trình thí điểm “Tưới ngập khô xen kẽ trong canh tác lúa để thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” có kết quả khả quan tại 5 huyện gồm Diễn Châu, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Nam Đàn với diện tích hơn 5.200 ha.
Nhằm phát triển, mở rộng diện tích tại các huyện trồng lúa, Công ty Green Carbon INC phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Bắc Trung Bộ triển khai hội thảo để giới thiệu và tuyên truyền tại các huyện sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. 

Toàn cảnh cuộc hội thảo

Đồng chí Tạ Quang Sáng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh phát biểu tại hội thảo
Phần mở đầu, chuyên gia kỹ thuật giới thiệu về chương trình “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” và báo cáo kết quả bước đầu thực hiện chương trình thí điểm của các huyện đã triển khai trong vụ xuân 2024 và kế hoạch triển khai trong vụ hè thu 2024 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Sau khi nghe phần trình bày của đại diện Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn trao đổi thảo luận và được các chuyên gia kỹ thuật và các đơn vị liên quan giải đáp. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng tâm đắc với chương trình này, tuy nhiên bà con nông dân là những người trực tiếp sản xuất, vì vậy đại biểu các xã đề nghị phía công ty cần tổ chức tập huấn kỹ thuật, tuyền truyền đến tận người dân để bà con nắm bắt và thực hiện tốt.

Đồng chí Nguyễn Xuân Dinh - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Dinh - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cũng có ý kiến chia sẻ và chỉ đạo: Ban đầu khi đưa chương trình thí điểm “Tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa” thì địa phương cũng đang còn băn khoăn do Nghệ An là tỉnh đầu tiên thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, khoa học cũng đã chứng minh và ở vụ xuân 2024 cũng đã thực hiện tại 5 huyện và đều cho kết quả tốt, đặc biệt là có tổ chức đứng ra xác lập và được quốc tế chấp nhận. Khi được công nhận tín chỉ carbon thì trong thời gian tới sẽ được cấp chứng chỉ và có quyền giao dịch trên thị trường, như vậy bà con nông dân có thêm nguồn thu nhập. Về chủ trương thì Sở Nông nghiệp & PTNT đã có văn bản và UBND tỉnh đã chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến 6 tháng đầu năm nên UBND huyện Quỳnh Lưu hoàn toàn đồng tình ủng hộ chương trình “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa”. Trong vụ hè thu 2024, UBND huyện sẽ lựa chọn 4 - 6 xã có đủ điều kiện, mỗi xã có diện tích tập trung trên 50 ha để tham gia chương trình thí điểm. Kế hoạch các xã đăng ký tham gia chương trình phải đảm bảo tiêu chí, yêu cầu và không ép buộc. Đồng thời đề nghị UBND các xã rà soát để đăng ký tham gia chương trình thí điểm nhằm mục đích tiết kiệm lượng nước tưới và thay đổi thói quen canh tác truyền thống của bà con nông dân để có lợi cho bầu khí quyển và môi trường xung quanh. Ủy ban nhân dân huyện giao Phòng Nông nghiệp & PTNT và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ và Công ty Green carbon INC để triển khai thực hiện các nội dung, đồng thời nghiên cứu, tham mưu các nội dung liên quan; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới gắn với chuyển đổi số trong sản xuất lúa và áp dụng các chính sách bảo vệ đất lúa để thực hiện chương trình. Trong chương trình tập huấn về cây lúa, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện gắn quy trình này để phối hợp thực hiện, tuyên truyền cho người dân nắm rõ hơn, giải thích cho người dân hiểu. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc thực hiện, hiện tại Phòng Nông nghiệp & PTNT đã khảo sát sơ bộ tại 6 xã đại diện cho các vùng sản xuất lúa, nếu đủ điều kiện thì sẽ phối hợp triển khai, các địa phương còn lại thì rà soát để xây dựng kế hoạch thực hiện ở vụ xuân năm 2025. Khi thực hiện chương trình này, bước đầu phải làm cẩn thận, chắc chắn, bền vững lâu dài, chỗ nào đủ điều kiện và đồng thuận cao thì sẽ triển khai.
Kết luận hội thảo, phía đại diện Công ty Green carbon INC tại Việt Nam đã giải đáp những băn khoăn của đại biểu cũng như địa phương và cam kết phối hợp tốt để thực hiện chương trình này. Sau đó, một số xã nằm trong vùng quy hoạch, định hướng của huyện đã tiến hành đăng ký tham gia chương trình thí điểm “Tạo tín chỉ carbon và kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ trong sản xuất lúa giảm phát thải khí mê tan” để thực hiện trong vụ hè thu năm 2024./.
Sỹ Vinh – Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
h2-6.jpg h8-12.jpg h7-1.jpg h3-13.jpg h1-5.jpg h4-9.jpg h2 h3-6.jpg h4-2.jpg h1 h1.jpg h4.jpg h16.jpg h6.jpg h17-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây