Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa tại tỉnh Nghệ An”

Thứ tư - 17/07/2024 05:20 994 0
Sáng ngày 16/7/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội thảo “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa tại tỉnh Nghệ An”, để đánh giá kết quả thí điểm hoạt động “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa tại tỉnh Nghệ An” trong vụ xuân và thảo luận kế hoạch, giải pháp mở rộng diện tích vụ hè thu năm 2024 và các năm tiếp theo.
Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa tại tỉnh Nghệ An”
Hội thảo do đồng chí Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì; tham dự Hội thảo có Phòng Quản lý Kỹ thuật KHCN, đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Chi cục: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Thủy lợi; Đại diện lãnh đạo Trung tâm: Khuyến nông, Giống cây trồng tỉnh; BQL Diễn đàn Thị trường nông nghiêp; Công ty TNHH MTV: Thủy lợi Bắc và Thủy lợi Nam; Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ; đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện trọng điểm vùng sản xuất lúa: Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Nam Đàn,…; đại diện Trung  tâm Nông nghiệp Hữu cơ (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) và các đơn vị liên quan.  
 
Đồng chí Võ Thị Nhung - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ: Được sự quan tâm của tổ chức JICA hỗ trợ và giới thiệu Công ty Green Carbon INC đến để thực hiện dự án thí điểm “Tạo tín chỉ carbon trên cây lúa tại tỉnh Nghệ An”. Vụ xuân 2024, Công ty đã chủ động phối kết hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc, Thủy lợi Nam và các huyện để triển khai một số thí điểm và đã tổ chức hội thảo cấp huyện. Đây là lĩnh vực mới và Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện nội dung này, do đó các huyện còn khá lúng túng, chưa hiểu sâu, nên tại hội thảo này sẻ giải đáp một số thắc mắc của các đại biểu. Đối với cơ sở pháp lý về tạo tín chỉ carbon trên cây lúa hiện nay đã có gồm: theo Điều 3, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định tín chỉ carbon và chứng nhận có thể giao dịch thương mại; Điều 17 của Nghị định thư Kyoto của công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Điều 139 Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường quy định thị trường carbon trong nước gồm hoạt động trao đổi hạn ngạch giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon trong nước và phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế; Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó quy định tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các bon chính thức trong năm 2028; Thông tư 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí mê tan trong sản xuất nông nghiệp bằng các giải pháp canh tác để giảm phát thải phù hợp với chiến lược phát triển ngành nông nghiệp.
Mục tiêu của dự án thí điểm “Tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa” là rất phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt đóng góp tích cực vào việc giảm phát thải, giảm thiểu biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay. Việc tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa, ngoài việc phát triển bền vững và đảm bảo nguồn nước thì tạo tín chỉ carbon để trao đổi hạn ngạch giảm phát thải khí nhà kính, bù trừ tín chỉ carbon ở thị trường trong nước, hướng tới chuyển nhượng, chuyển giao việc mua bán tín chỉ ra thị trường quốc tế để giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tìm kiếm cơ hội về nguồn kinh phí tái đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, đòi hỏi ngành nông nghiệp, nông dân trồng lúa phải thay đổi để đáp ứng với điều kiện của thị trường. Trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng thường xuyên đối mặt với biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, hạn hán,… Một trong những giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu là thông qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy, việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật về tưới nông lộ phơi thì có thể giảm phát thải từ 40-70% lượng khí thải mê tan so với canh tác truyền thống. Với giải pháp này thì sẽ đóng góp tích cực vào cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu. Từ những thực tiễn sản xuất và yêu cầu hội nhập quốc tế, việc đi tắt đón đầu các giải pháp sản xuât bền vững là hết sức cần thiết. Thông qua hội thảo mong muốn công ty Green carbon, các đại biểu chia sẻ những thông tin trong hoạt động tạo tín chỉ carbon, những nội dung nào còn băn khoăn cần trao đổi thì đặt cầu hỏi để được chia sẻ và tháo gỡ kịp thời.
Hội thảo được nghe các chuyên gia tư vấn giới thiệu về quy trình tưới ngập khô xen kẽ để tạo tín chỉ carbon, báo cáo công tác tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua. Trong vụ xuân 2024, Công ty Green Carbon INC đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Học viện nông nghiệp, các địa phương và cơ quan chuyên môn liên quan triển khai dự án thí điểm “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” tại địa bàn 5 huyện gồm Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc và Hưng Nguyên với 31 xã tham gia, quy mô hơn 5.200 ha. Để tổ chức triển khai thực hiện dự án thí điểm tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa vụ xuân năm 2024 tại tỉnh Nghệ An, Công ty Green Carbon INC đã tổ chức 5 cuộc hội thảo cấp huyện, 41 lớp tập huấn để truyền tải thông tin, kỹ thuật, phương pháp thực hiện dự án cho hơn 2.000 lượt người tham gia là lãnh đạo UBND cấp xã, công chức phụ trách nông nghiệp cấp xã, các thành viên HTX, cán bộ thủy nông, các trưởng xóm và người dân sản xuất lúa.

 
Đồng chí Phan Xuân Vinh – Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu phát biểu ý kiến tại hội thảo

Bước đầu triển khai dự án thí điểm đã có nhiều kết quả tốt và đang mở rộng diện tích thực hiện trong vụ hè thu tại các huyện này cũng như thêm huyện Quỳnh Lưu. Kết quả theo dõi, đánh giá của cán bộ quản lý giám sát các huyện phối hợp với các HTX nông nghiệp các xã thực hiện dự án thì năng suất thực thu ở ruộng áp dụng tưới ngập khô xen kẽ là tương đương hoặc cao hơn so với năng suất bình quân của các xã thực hiện dự án. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi đánh giá thực tế trên đồng ruộng còn cho thấy áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ thì cây lúa ít bị đổ ngã, ít bệnh và rầy nâu.
Sau khi nghe các báo cáo tại hội thảo, các đại biểu tham gia đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận. Đại diện lãnh đạo các địa phương nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với định hướng sản xuất, dự án thí điểm đã giảm được lượng nước tưới, thuốc BVTV và giảm lượng phát thải khí nhà kính nên hoàn toàn đồng tình và ủng hộ. Tuy nhiên, các đại biểu còn một số băn khoăn như khi áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ, tạo tín chỉ carbon nhưng sẽ không được làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa; nên thử nghiệm trong nhiều vụ để đánh giá chính xác, thời gian thực hiện trao đổi tín chỉ carbon là bao nhiêu, người hưởng lợi là ai,… Đồng thời các địa phương đề nghị phía Công ty Green carbon INC tổ chức tập huấn đến tận người dân để nắm rõ quy trình kỹ thuật và thay đổi nhận thức, tập quán canh tác. Những nội dung các đại biểu còn băn khoăn, thắc mắc được phía Công ty, chuyên gia tư vấn và đơn vị có liên quan đã giải đáp thấu đáo. Đối với việc mua bán, chi trả tín chỉ carbon thì hiện nay chưa ban hành khung pháp lý nên cần phải chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định.
Toàn cảnh cuộc hội thảo
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Võ Thị Nhung cảm ơn sự quan tâm và đóng góp những ý kiến sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Khi tạo tín chỉ carbon trên cây lúa nhưng không làm ảnh hưởng đến năng suất của cây lúa. Trong quá trình thực hiện thì cả hệ thống chính trị vào cuộc để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương, sẵn sàng tạo ra tín chỉ carbon và có sự quản lý của nhà nước. Khi đã tạo ra tín chỉ carbon thì việc giao dịch mua bán được công khai trên hệ thống toàn cầu và trước mắt được thực hiện trong thời gian 10 năm. Quan điểm chỉ đạo của ngành là khai thác tiềm năng lợi thế của Nghệ An để bảo vệ nguồn tài nguyên, không để bị thất thoát./.
Sỹ Vinh – Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
image-20240813150406-1-6.png a23-1.jpg a24-2.jpg a25-4.jpg a11-3.jpg a26-4.jpg a12-6.jpg h1-5.jpg h4-9.jpg h2-6.jpg h8-12.jpg h7-1.jpg h3-13.jpg h1 h2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây