Cần nuôi dưỡng và chăm sóc tốt bò cái sinh sản

Thứ ba - 21/05/2024 21:36 409 0
Nghệ An là tỉnh có ngành chăn nuôi thuộc tốp đầu của cả nước, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng các loại vật nuôi. Định hướng hiện tại và trong thời gian tới là đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khuyến khích chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển tập trung, quy mô công nghiệp, thân thiện với môi trường.
Cần nuôi dưỡng và chăm sóc tốt bò cái sinh sản
Riêng đối với chăn nuôi trâu bò, toàn tỉnh Nghệ An có tổng số 801 nghìn con, trong đó đàn bò 535.195 con góp phần không nhỏ vào tăng trưởng chung của ngành chăn nuôi tỉnh nhà. Nhưng vấn đề đặt ra đối với người chăn nuôi là việc áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng chăm sóc chưa thực sự chú trọng, nhất là đối với nuôi bò cái sinh sản. Để chăn nuôi bò cái sinh sản đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm rủi ro, đặc biệt là đối với nuôi bò giai đoạn mang thai và sau sinh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Giai đoạn bò mang thai: Thời gian mang thai khoảng 9 tháng 10 ngày. Người nuôi cần cho bò ăn đủ 35 - 40 kg thức ăn, gồm thức ăn xanh chiếm 70 - 80 %, thức ăn khô (rơm ủ) 2 - 3 kg/con, thức ăn tinh 1 - 2 kg/con, bổ sung thêm muối, bột xương, khoáng chất,…để đảm bảo bào thai phát triển tốt.
+ Trước khi đẻ 1 tháng: Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh, nền chuồng cao ráo, không trơn, không cho bò mẹ vận động mạnh, không chăn dắt ở những nơi có độ dốc cao, chăn thả bò gần nhà để quan sát những biểu hiện sắp sinh và kịp thời đỡ đẻ cho bò
+ Khi bò đẻ: Cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ để tiến hành đỡ đẻ cho bò cái như: Cuộn chỉ buộc thắt rốn, kéo, cồn sát trùng, khăn vải khô sạch mềm, chuồng đẻ, cũi bê, rơm khô hoặc cỏ khô sạch, …. Quan sát thấy bò cái có các dấu hiệu chuyển dạ đẻ như bầu vú căng và đầu vú chĩa về hai bên, bụng sệ, sụt mông, đuôi cong lên, âm hộ sa, sưng mọng, niêm dịch chảy ra nhiều trong suốt, có hiện tượng đứng nằm không yên, lưng cong, ỉa đái nhiều lần, kèm theo rặn đẻ, bọc ối thò ra ngoài mép âm hộ. Lúc này cần tạo không gian yên tĩnh để cho bò mẹ được đẻ tự nhiên. Rửa sạch phần thân sau bò cái, lau khô, sát trùng bộ phận sinh dục bên ngoài của bò, cho bò vào chuồng đẻ đã chuẩn bị sẵn, có lớp cỏ khô sạch lót nền dày 3 - 5 cm. Rửa sạch tay bằng xà phòng, cồn, mang bao tay (vô trùng). Khi bò mẹ rặn đẻ, cho tay vào đường sinh dục để kiểm tra. Nếu bò đẻ thường là hai chân và đầu ra trước, trong trường hợp thai quá to thì người chăn nuôi cần hỗ trợ nắm hai chân kéo từ từ theo nhịp rặn của bò mẹ. Nếu bò đẻ ngược thì nhè nhẹ đẩy thai vào trong và xoay tư thế thai theo chiều thuận, hỗ trợ khi bò mẹ cần. Tránh không được lôi kéo thai quá sớm, làm tổn thương đường sinh dục, tránh không để thai bị ngạt do uống phải nước ối. Trường hợp bê con bị ngạt cạy mồm bê ra, kéo lưỡi ra theo nhịp thở cho đến khi bê thở được bình thường, nếu bê chết ngạt không lâu thì tiến hành xoa bóp lồng ngực cho bê và hô hấp nhân tạo. Khi bò mẹ rặn đẻ yếu hoặc bê con đã sinh ra nhưng nhau thai chưa ra, có thể tiêm Oxytocin để hỗ trợ cho bò mẹ trong quá trình sinh sản. Chú ý không dùng Oxytocin khi bò mẹ rặn đẻ dữ dội hoặc tư thế thai bị ngược, lệch hay kẹt trong cơ quan sinh sản. Trường hợp bò con sinh bọc, ta cần nhanh chóng xé màng bọc để bò con khỏi bị ngạt. Lấy khăn sạch và mềm để móc hết những chất nhầy trong mũi, miệng ra giúp bê hô hấp dễ dàng và lau sạch toàn thân rồi đến 4 chân hoặc để bò mẹ liếm cho bê con. Tiến hành cắt rốn cho bê cách thành bụng khoảng 8 - 10cm, sát trùng bằng cồn iốt 2% hay xanh methylen chỗ cắt, 2 lần/ngày và để tự rụng. Nếu bò đẻ vào thời tiết lạnh thì cần sưởi ấm cho bò mẹ và bê con, chuồng trại che chắn kín gió.
- Giai đoạn sau khi sinh: Bò đẻ thường mất thời gian 4 - 6 giờ và ra nhau thai khoảng 30 - 60 phút, chậm thì 2 - 3 giờ tự động ra, nếu sau 1 ngày không thấy nhau ra hết (gọi hiện tượng sót nhau) thì phải mời cán bộ thú y can thiệp, không nên tự ý móc nhau nguy hiểm đến tính mạng bò mẹ. Dùng nước muối sinh lý 0,9%, thuốc tím 0,1% thụt rửa tử cung, lau rửa mép âm môn, rửa bầu vú bằng nước xà phòng ấm trước khi cho bê bú, cân bê trước khi cho bú sữa đầu và cho bú càng sớm càng tốt, chậm nhất là 1 giờ sau khi đẻ. Cần theo dõi tình trạng sức khỏe bò mẹ sau khi đẻ; màu sắc, lượng và mùi dịch hậu sản; kiểm tra thân nhiệt bò mẹ ngày 2 lần (sáng, chiều) liên tục trong  2 - 3 ngày đầu để kịp thời can thiệp trong trường hợp bò mẹ bị sốt, viêm vú, viêm tử cung… Đặc biệt cần quan tâm đến chế độ ăn uống của bò mẹ sau sinh và bổ sung đầy đủ nhu cầu nước uống phải sạch, mát và cho uống tự do. Khoảng 15 - 20 ngày đầu sau khi bò sinh, cần cho ăn cháo (1 - 1,5 kg thức ăn tinh/con/ngày) và khoảng 25 - 30 g muối ăn, 30 - 40 g bột xương và cỏ non xanh đã phơi héo ăn tại chuồng, chọn các loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao cho bò ăn. Trong suốt khoảng thời gian nuôi con, mỗi ngày cần phải cung cấp cho bò mẹ ăn khoảng 30 kg cỏ tươi, 2 - 3 kg rơm ủ, 1 - 2 kg cám hoặc thức ăn hỗn hợp để bò mẹ hồi phục sức khỏe, nhanh động dục lần tiếp theo để phối giống. Đặc biệt lưu ý, người nuôi phải ghi chép vào sổ sách theo dõi để biết được ngày bò cái đậu thai cũng như dự kiến được ngày bò đẻ và ngày phối giống trở lại cho đàn bò cái.
Vậy nên, trong chăn nuôi bò cái sinh sản, người chăn nuôi khi đã chọn được những con nái đẻ tốt và có thành tích sinh sản cao thì cần làm tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý đàn nái thời điểm mang thai và sau khi sinh con để giảm thiểu rủi ro, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ/năm, nâng cao tỷ lệ đẻ/năm và từ đó sẽ giúp cho các nhà chăn nuôi đạt được hiệu quả năng suất cao nhất trong quá trình đầu tư./.

                                     Nguyễn Thị Thu - Trung tâm KN Nghệ An -  nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
h1.jpg h16.jpg h4.jpg h17-1.jpg h6.jpg h5-2.jpg h2-1.jpg h8-6.jpg h9-2.jpg h13-3.jpg h3.jpg h12-3.jpg z5640473796497-8f27022540fe8dbcb12a4b0b8ca8a467.jpg z5640473811065-1acce96467bd9909fc93076cc90fa29c-1.jpg z5640473813707-a2abb06d6f62b51e8deb3264da14d777-4.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây