Thứ năm, 26/12/2024, 11:54

Một số yêu cầu trong chăn nuôi lợn hữu cơ

Chủ nhật - 07/07/2024 23:17 1.186 0
Chăn nuôi lợn hữu cơ là phương pháp chăn nuôi hoàn toàn sử dụng những nguyên liệu thức ăn hữu cơ, bao gồm cám gạo, ngô, đậu tương… và không sử dụng bất cứ chế phẩm công nghiệp nào. Thức ăn của lợn cũng không được phép chứa hóc môn tăng trưởng, chất tạo nạc hay đã bị biến đổi gen.
Một số yêu cầu trong chăn nuôi lợn hữu cơ
Hiện nay chăn nuôi hữu cơ đang là hướng đi mới và đòi hỏi sự tỉ mỉ, sự chính xác trong từng khâu, từng giai đoạn để tạo nên sản phẩm sạch, đạt yêu cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghệ An là tỉnh có ngành chăn nuôi khá phát triển thuộc tốp đầu cả nước trong đó có tổng đàn lợn ước đạt 1.002.783 con. Song chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ hiện nay chưa được nhiều người quan tâm đầu tư và áp dụng. Muốn để chăn nuôi lợn hữu cơ thành công thì cần lưu ý một số yêu cầu cơ bản:
1. Đối với khu vực chăn nuôi:
- Khu vực chăn nuôi lợn hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.
- Cơ sở chăn nuôi phải có diện tích chuồng trại, phải có nơi để chứa, ủ phân, chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.
2. Đối với giống vật nuôi:
- Giống vật nuôi phải thích nghi với điều kiện địa phương và với hệ thống chăn nuôi hữu cơ, ưu tiên sử dụng các nguồn giống bản địa. Con giống phải khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh.
- Không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc các vấn đề về sinh trưởng phát triển của vật nuôi.
- Nên sử dụng con giống từ phương pháp sinh sản tự nhiên hơn là phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Đặc biệt, giống lợn phải do cơ sở sản xuất giống phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ hoặc phải là con của các cặp ông bà, bố mẹ hoặc đàn hạt nhân được nuôi dưỡng suốt đời trong hệ thống chăn nuôi hữu cơ; Không được chuyển đổi qua lại lợn nuôi giữa khu vực chăn nuôi hữu cơ và khu vực chăn nuôi không theo phương pháp hữu cơ. Nếu không có sẵn giống lợn hữu cơ thì có thể sử dụng lợn nuôi thông thường để chăn nuôi hữu cơ ngay từ sau khi cai sữa.
3. Đối với thức ăn chăn nuôi:
- Trong thời kỳ chuyển đổi tốt nhất nên sử dụng thức ăn có nguồn gốc hữu cơ tối đa 100 %
- Với điều kiện chăn nuôi bình thường, sử dụng thức ăn có nguồn gốc hữu cơ không ít hơn 65 % (tính theo khối lượng chất khô) cho lợn.
4. Đối với quản lý sức khỏe vật nuôi:
- Chọn các giống vật nuôi thích hợp theo yêu cầu về giống
- Áp dụng các biện pháp thực hành chăn nuôi phù hợp với yêu cầu từng lứa tuổi của lợn, tăng cường sức đề kháng và phòng bệnh bằng vắc xin.
- Sử dụng thức ăn hữu cơ có chất lượng tốt, kết hợp với việc cho lợn thường xuyên vận động nhằm tăng miễn dịch tự nhiên.
- Bảo đảm mật độ nuôi thích hợp nhằm tránh số lượng quá đông và tránh gây ra các vấn đề về sức khỏe.
- Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như thường xuyên vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi, sử dụng vắc xin, kiểm dịch động vật nhiễm bệnh, kiểm dịch vật nuôi mới.
5. Đối với quản lý cơ sở chăn nuôi: Trong chăn nuôi hữu cơ, không cho phép các hoạt động gây tác động vật lý đến cơ thể lợn như buộc dây chun vào đuôi, cắt đuôi, bấm số tai trừ khi:
- Cần cắt đuôi cho lợn để đảm bảo sức khỏe cho con vật
- Cần thiến lợn đực để cải thiện chất lượng sản phẩm chăn nuôi
- Có thể đánh số tai cho lợn nhưng không được dùng nhiệt
6. Đối với quản lý phân và chất thải:
- Chăn nuôi lợn phải được quy hoạch phù hợp theo vùng sinh thái về số lượng, chủng loại để không gây ô nhiễm môi trường. Nhất là những khu vực có sử dụng nguồn nước ngầm hoặc nguồn nước sông hồ cung cấp cho nhà máy nước sinh hoạt thì công tác quy hoạch chăn nuôi càng phải quản lý nghiêm ngặt. Khi xây dựng trang trại chăn nuôi cần phải xa khu dân cư, đúng thiết kế và phải được đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng chuồng trại. Người chăn nuôi phải thực hiện tốt quy định về điều kiện chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán và sản phẩm của chúng.
- Xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học (hầm Biogas): Tùy vào điều kiện chăn nuôi và quy mô trang trại mà sử dụng hầm Biogas cho phù hợp. Bởi xử lý chất thải bằng công trình này là giải pháp hữu ích nhằm giảm phát thải khí methane từ phân chuồng và sử dụng phụ phẩm khí sinh học thay thế phân bón hóa học. Nhờ có công trình này mà lượng lớn chất thải được xử lý tạo ra chất đốt và cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính rất hiệu quả.
- Xử lý môi trường bằng men sinh học, đệm lót sinh học: Dùng các loại men bằng cách bổ sung vào nước thải, phun vào chuồng nuôi, trộn vào thức ăn, nước uống,… hoặc làm đệm lót sinh học nhằm giảm mùi hôi, thối hạn chế ô nhiễm môi trường
- Xử lý chất thải bằng ủ phân hữu cơ: Nhờ qua trình lên men và nhiệt độ tự sinh của đống phân ủ sẽ tiêu diệt các mầm bệnh nguy hiểm. Trong phân ủ có chứa chất mùn làm đất tơi xốp, tăng dung lượng hấp thụ khoáng cho cây trồng, có tác dụng tốt đến hệ vi sinh vật có ích trong đất. Ngoài ra, phân ủ còn có tác dụng tốt với tính chất lý hoá học và sinh học của đất, không gây ảnh hưởng xấu đến người, động vật và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái.
Như vậy, để chăn nuôi lợn hữu cơ thành công, đạt được sản phẩm chất lượng đem lại hiệu quả kinh tế cao, người chăn nuôi ngoài việc nắm vững quy trình kỹ thuật, cần phải áp dụng một cách đồng bộ các tiêu chuẩn và yêu cầu nêu trên.

 
 Hồ Thị Ca - Trung tâm KN - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh6-2.jpg hh2.jpg hh7-1.jpg hh3-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg mo-hinh-luon-4.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây